Tin tức thị trường

Bổ sung nhiều ưu đãi vượt trội cho các dự án đầu tư cho khoa học công nghệ

Tinnhanhck
· hôm qua
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Chiều 2/7, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo.

Cho phép nhà nước góp đến 70% vốn vào các dự án PPP

Cho biết tại họp báo, ông Phạm Thy Hùng - Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đã chia sẻ một số điểm mới trong chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số một cách cụ thể và hiệu quả.

Trước hết, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 8 Luật về lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, quy định mở rộng lĩnh vực đầu tư và nâng quy mô vốn tối thiểu cho các dự án PPP. Luật cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP lên tới 70%, qua đó tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn cho hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân thông qua các dự án hợp tác công tư.

Các sửa đổi mới nhất cũng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tối đa các rào cản pháp lý và bổ sung nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho các dự án khoa học công nghệ nói riêng và các dự án PPP nói chung.

Trong Luật mới này, quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án PPP đã được phân cấp tối đa từ Thủ tướng Chính phủ xuống Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp. Các cơ quan được trao quyền tự quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định dự án hoặc không, đồng thời đơn giản hóa thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhỏ và vừa. Yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn, mở rộng trường hợp áp dụng chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án PPP.

Luật cũng cho phép áp dụng các hình thức đầu tư phù hợp như đặt hàng, giao thầu trong các dự án PPP, với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội dành cho các dự án khoa học công nghệ. Ví dụ, quy trình thẩm định được rút ngắn thời gian đáng kể. Đồng thời, cho phép chỉ định nhà đầu tư đặc biệt đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ sở hữu bản quyền sử dụng công nghệ chiến lược nằm trong danh mục công nghệ ưu tiên.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Đấu thầu, với các dự án khoa học công nghệ, nhà nước hỗ trợ đến 70% vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, đồng thời chia sẻ rủi ro phần giảm doanh thu trong ba năm đầu vận hành kinh doanh. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện dự án.

Luật cũng tháo gỡ nhiều vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, như không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án riêng biệt, cho phép doanh nghiệp PPP kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án. Vấn đề về sản lượng và doanh thu trong các dự án BOT cũng được xử lý linh hoạt hơn.

Thông tin thêm, ông Phạm Thy Hùng cho hay, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị định có hiệu lực ngay lập tức và mở rộng phạm vi áp dụng các hình thức hợp tác công tư, phù hợp với nhiều mô hình như PPP, BT, BOT, BTO, hợp tác liên kết sử dụng tài sản công, kể cả tài sản vô hình như dữ liệu, bản quyền công nghệ.

Ngoài ra, Nghị định quy định rõ các loại hình hợp tác ưu tiên trong chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm đất đai và chia sẻ rủi ro.

Quy trình thực hiện các thủ tục hợp tác công tư được đơn giản hóa tối đa, phân cấp phân quyền rõ ràng, rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho các bên tham gia. Trong quá trình xây dựng nghị định, Bộ Tài chính đã phối hợp tham vấn ý kiến các bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, nhà khoa học và các tập đoàn công nghệ để hoàn thiện chính sách.

Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhiều dự án hợp tác công tư quan trọng, ví dụ như xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, phát triển hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước…

Ông Phạm Thy Hùng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Đức Minh.

Ông Phạm Thy Hùng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Đức Minh.

Xác định rõ trách nhiệm của các bên

Quan tâm vấn đề này, một số phóng viên đề cập trách nhiệm của “3 bên” khi triển khai các chính sách nói trên.

Giải đáp ngay tại buổi họp báo, ông Phạm Thy Hùng cho hay, kinh nghiệm quan trọng nhất trong quá trình xây dựng chính sách là xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phía Nhà nước, thứ nhất phải xác định mục tiêu, định hướng phù hợp với chủ trương phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Thứ hai, cần công bố các “bài toán lớn” để các viện nghiên cứu, trường đại học và cá nhân tập trung giải quyết. Thứ ba, phải cung cấp hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng sẵn có, như các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu, để các tổ chức và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách thông qua các tiêu chí tài trợ phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Trong khi đó, các tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt là các trường đại học và viện nghiên cứu, có trách nhiệm tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra cũng phải giải quyết các “bài toán lớn” theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương hoặc doanh nghiệp.

Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với các Tập đoàn trong nước để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề kỹ thuật công nghệ, xây dựng mô hình phòng thí nghiệm và cung cấp dịch vụ xác thực công nghệ.

Các tổ chức khoa học công nghệ còn có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cung cấp chuyên gia và tri thức để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Bên thứ 3 là doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, vận hành cơ sở hạ tầng, đồng thời là nơi thực hành, ứng dụng các công nghệ mới và tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm ra thị trường.

“Nghị định Chính phủ vừa ban hành đã có điều quy định rất rõ trách nhiệm của các bên nhằm đảm bảo khi triển khai hợp tác, mỗi bên đều hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của mình” - lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh.

Trong quá trình thực hiện hợp tác giữa các bên, cũng có lúc còn chưa rõ ràng về trách nhiệm, gây khó khăn trong phối hợp. Tuy nhiên, Nghị định mới cũng đã quy định chi tiết để giải quyết.

Về chính sách thuế, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi, như chi phí nghiên cứu và phát triển được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế lên đến 200% chi phí thực tế. Ngoài ra, còn có các Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ rủi ro và cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Theo ông Hùng, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Tài chính đã tích cực tham vấn ý kiến các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và các tập đoàn công nghệ. Bộ Tài chính cũng đã cam kết đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc triển khai hợp tác công tư, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS