Cách ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giải bài toán giá thành để chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

Giảm giá thành sản phẩm bằng tập trung tối ưu hóa chi phí sản xuất
Với những diễn biến địa chính trị gần đây, theo bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (Vasi), tình cảnh của các DN hỗ trợ, cơ khí – chế tạo của Việt Nam càng khó khăn. Trước đây cũng đã khó nhưng nay còn khó hơn.
Tuy nhiên, nếu so với Trung Quốc, hiện Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều. Sau nhiều năm phấn đấu, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có 30% là sản phẩm công nghệ trung bình – cao, Trung Quốc là trên 50% (số liệu năm 2021). Còn nếu tính về giảm phát thải CO2 hoặc theo các tiêu chuẩn xanh, thì DN Việt Nam đang bị các DN Thái Lan dẫn trước khá xa.
Chia sẻ trong sự kiện M-Talks – Diễn đàn Công nghiệp sản xuất, mở đầu cho chuỗi hội thảo tại Metalex Vietnam 2025 vào 24/7, bà Chí Bình cũng cho biết, hiện có nhiều nhà cung ứng Việt Nam cũng như hội viên của Vasi đang tìm đường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí là xuất ngoại.
“Hiện có vài hội viên của Vasi làm sản phẩm có giá thành tốt được mời chào sang đầu tư ở Thái Lan hoặc Malaysia. Một DN Nhật có công ty ở Thái Lan, nhưng nay không có người thay thế, nên muốn bán nó lại cho DN Việt Nam, vì DN Việt Nam đã làm tốt ở Việt Nam.”, Phó Chủ tịch Vasi tiết lộ.
Hiện sự dịch chuyển nhu cầu OEM/ODM từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Cụ thể hơn, hiện có khoảng 30% người mua thay vì đến thị trường Trung Quốc tìm nhà cung ứng như trước, đã đến Việt Nam. Để có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay làm OEM, DN Việt Nam buộc phải làm cụm linh kiện; điều mà các DN Trung Quốc đã thực hiện từ rất lâu.
Một số linh kiện/sản phẩm chính mà các hội viên của Vasi cung cấp cho ngành ô tô. (Ảnh chụp màn hình)
“Nhằm tận dụng được cơ hội nói trên và thu hút thêm khách hàng trong tương lai, DN Việt Nam cần làm hai chuyện: nâng cao năng lực nội tại để có thể sản xuất sản phẩm chất lượng phù hợp với mức giá mà khách hàng kỳ vọng. Tiếp nữa, liên kết với các DN khác để sản xuất cụm linh kiện hay OEM/ODM.”, bà Chí Bình khuyến nghị.
Bà nêu một ví dụ như sau: một DN Việt Nam đã ‘giật’ được một đơn hàng sản xuất máy to từ khách hàng FDI đến từ Mỹ. Ngoài ra, họ cũng đã nhập một chiếc máy từ Trung Quốc để làm phần xốp bao chung quanh để bảo vệ chiếc máy đó, tránh va đập trực tiếp trong khi vận chuyển sang Mỹ.
DN Việt sản xuất một miếng xốp giá 24.000 đồng, trong khi nếu nhập từ Trung Quốc giá 21.000 đồng – giá này đã bao gồm tất cả chi phí logistics. Và tất nhiên, người mua đến từ Mỹ đã chọn xốp nhập từ Trung Quốc.
Qua trường hợp này để thấy, sản xuất hàng chất lượng cao giá cả phải chăng như Trung Quốc không phải là điều dễ dàng, vì rõ ràng là DN Việt này đã chịu khó mua máy từ Trung Quốc, nhưng khi làm vẫn ra sản phẩm có giá thành cao. Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm, nếu có thêm thời gian, thì DN Việt này có thể cải tiến giảm giá thành xuống còn 21.000 đồng/miếng.
Khía cạnh khiến giá sản phẩm của các nhà cung cấp Việt thiếu tính cạnh tranh nhất là chi phí sản xuất. Ví dụ: cùng một sản phẩm, DN Trung Quốc làm trong 2 giây còn DN Việt làm trong 2 phút; điều này khiến chi phí sản xuất của DN Việt tăng lên. Trong khi các DN Trung Quốc luôn tính chi phí sản xuất hết sức chi tiết, DN Việt Nam thường làm qua loa đại khái, do không thống kê chi tiết được.
Để giảm chi phí sản xuất, DN Việt cần nhìn vào bức tranh tổng thể và chi tiết từng công đoạn sản xuất, để biết đâu là công đoạn/nguyên liệu/nhân công mình có thể tiết giảm mà vẫn giữ được chất lượng. Ngoài ra, Vasi cũng thường mời nhiều DN sản xuất toàn cầu đến chia sẻ cách họ quản lý chuỗi cung ứng. Sắp tới, Toyota sẽ đến và chia sẻ về đề tài “tối ưu tồn kho”.
Ngoài ra, nhiều DN trong Ban tự động hóa của Vasi sẵn sàng cho các nhà cung ứng mượn máy móc để sản xuất, khi có đơn hàng không thuộc thế mạnh của bản thân. Tức là, thay vì phải bỏ tiền đầu tư, các nhà cung ứng có thể mượn máy móc từ hội viên Vasi để thực hiện các đơn hàng, thăm dò triển vọng của khách hàng – thị trường mới.

Bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (Ảnh:RX Tradex)
Mặt khác, thường thì nguyên liệu chỉ chiếm phần nhỏ trong câu chuyện chênh lệch giá sản phẩm. Song nếu các nhà cung ứng Việt nào muốn giảm giá thành nguyên liệu, có thể đăng ký vào các nhóm mua chung ở Vasi. Hiện Vasi có đối tác nguyên liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản… Vasi đã đại diện đàm phán và mua được hàng nhanh - rẻ (hơn khoảng 7% so với thị trường).
Với OEM/ODM hay làm cụm chi tiết linh kiện, một nhà cung ứng Việt không làm được thì 3 nhà, 5 nhà. Nếu có thể, DN hãy sáng tạo công nghệ - giải pháp mới rồi chủ động đề xuất ngược với khách hàng thay vì ngồi đợi khách hàng mang mẫu sản phẩm tới.
“Nhiều DN bảo chúng tôi nói thì dễ. Trong bối cảnh như thế này, nhà cung cấp Việt còn phải gia tăng giá trị, phải sản xuất OEM/ODM, là quá thách thức. Các nhà cung cấp Việt đi bán sản phẩm của mình thì khó vô cùng, đi làm thuê vẫn dễ hơn.
Làm thuê tức là nhà máy chạy cả ngày cả đêm – chạy cả ba ca để lấy công làm lời. Nhưng chúng ta không thể mãi “ăn non” như thế! Chính phủ cũng đang đau đáu câu chuyện gia tăng giá trị cho các nhà cung cấp bản địa trong nhiều năm nay.”, bà Chí Bình gửi gắm.
Đừng từ bỏ ngay cả khi giá người mua thấp hơn mong đợi
Tâm huyết với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém là bà Trần Quỳnh Hương – Trưởng Ban tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia. Dù là người Việt và hoạt động ở Việt Nam, nhưng bà Quỳnh Hương không thể ưu ái đồng hương. Trong khu vực Đông Nam Á, các nhà cung ứng Việt phải cạnh tranh với đồng nghiệp đến từ Thái Lan, Malaysia…
Khi một người mua từ châu Âu hoặc Mỹ đến làm việc với tổ chức của bà, họ sẽ nghiên cứu rất kỹ các nhà cung ứng khắp Đông Nam Á, xem ai phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân. Tùy người mua là công ty toàn cầu hay SMEs, thuộc ngành điện máy gia dụng hay TMĐT, mà cách thẩm định đối tác cũng như tiêu chí đánh giá khác nhau.
Theo bà Quỳnh Hương, để thu hút được người mua từ trên khắp thế giới, các DN Việt cần đáp ứng 5 tiêu chí sau.
Đầu tiên, nhà cung cấp Việt phải có các chứng chỉ về chất lượng và môi trường, phù hợp với quy định của từng thị trường như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu. Ví dụ như ISO 14001, ASME, IATF 16949 (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), CE… Một DN đến từ châu Âu muốn mua kệ sắt cũng đòi hỏi đối tác phải có tiêu chuẩn CE.
Bà Trần Quỳnh Hương – Trưởng Ban tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia (Ảnh:Source of Asia)
“Nhiều khách hàng đến từ châu Âu cũng muốn linh hoạt trong chuyện đánh giá với nhà cung cấp Việt nhưng không thể. Vì nếu bạn vào châu Âu mà sản phẩm không có tiêu huẩn CE, Hải quan sẽ không cho nhập khẩu. Vậy nên, nhiều DN Việt Nam đã bị vuột mất khách mua từ châu Âu, do không có các chứng chỉ mà thị trường châu Âu yêu cầu”, Trưởng Ban tư vấn Chuỗi cung ứng Source of Asia nêu cụ thể.
Thứ hai là giá thành hợp lý: giá thành ở đây không phải là giá rẻ mà là giá trị. DN Việt cần bóc tách xem, năng lực của mình tạo ra bao nhiêu giá trị, nguồn nguyên liệu chiếm bao nhiêu giá trị…
Vị Trưởng ban tư vấn cũng nhắn nhủ DN Việt rằng: khi DN đưa giá sản phẩm, thì hãy giải thích rõ ràng chi tiết vì sao lại có mức giá này. Nếu giá cao thì vì sao cao và có thể làm cho nó thấp hơn nữa hay không? Nếu không thì bà có thể truyền thông và giáo dục thị trường – khách hàng để họ hiểu vì sao lại có mức giá đó.
Thứ ba, các nhà cung ứng Việt phải có sự linh hoạt nhất định. Và bà Quỳnh Hương đã nêu ra 2 ví dụ chứng minh cho “sức mạnh” của sự linh hoạt.
Trường hợp đầu tiên: một DN Việt có CE, tuy nhiên mức giá đưa ra lại cao gấp 1,5 lần so với mục tiêu của khách hàng TMĐT đến từ Đức. Sau đó, cả hai đã ngồi lại và bàn bạc xem nên thay đổi cái gì của sản phẩm để vẫn giữ chất lượng mà giá thành giảm. Hiện cả hai vẫn đang hợp tác vui vẻ.
Trường hợp thứ hai tương tự và người mua cũng có thiện ý gặp gỡ nhà cung ứng Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, gỡ rối vướng mắc. Nhưng nhà cung ứng đó đã từ chối, vì cho rằng “đơn hàng nhỏ không đáng phải cố gắng” và chưa chắc gì là đối tác lâu bền. Vì không cởi mở học tập cái mới cũng không linh hoạt, nên họ đã tự đóng một cánh cửa.
Thứ tư, DN Việt nên tìm khách hàng phù hợp với nội lực và quy mô của bản thân. Các DN toàn cầu thường thẩm định nhà cung ứng vô cùng kỹ lưỡng. Họ không chỉ xem giấy phép hoạt động, chứng chỉ chất lượng – môi trường; mà còn quan tâm đến hợp đồng lao động của nhân sự, môi trường làm việc… Trong khi người mua nhỏ hơn thì thẩm định ít khắt khe hơn.

Các DN hỗ trợ Việt Nam đang tham gia hội chợ triển lãm. (Ảnh: Vasi)
“Cuối cùng, DN Việt nên chủ động tìm kiếm người mua khắp thế giới thay vì ngồi một chỗ đợi các FDI tìm đến. Hãy chủ động ra nước ngoài tham gia các hội chợ. Hơn nữa, các DN phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ năng lực cung ứng và thể hiện được điểm mạnh của bản thân, mục đích là khiến đối tác cũng như bên trung gian như chúng tôi hiểu rõ DN hơn. ”, bà Quỳnh Hương khẳng định.
Mới đây, có một khách hàng TMĐT từ châu Âu muốn tìm nguồn hàng là xe nâng pallet tự động. Bà đã cố gắng nhưng không tìm ra được nhà cung cấp ngành hàng này cho thị trường châu Âu ở Việt Nam. Châu Âu đang đánh thuế 70% cho sản phẩm này, nên khách hàng châu Âu muốn đến châu Á tìm hàng. Vậy nhưng, không nhà cung ứng nào của Việt Nam biết quy định mới này để chớp cơ hội.
Phải thật sự hiểu khách hàng mình là ai, cần gì và muốn gì
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (CSID) cũng bổ sung: để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt cần thật sự hiểu khách của mình và tăng cường liên kết cùng nhau.
Bà kể rằng, có DN cung ứng sau hai năm đã phát triển từ 20 khuôn cơ khí chế tạo lên 40 máy. Cách đây một tháng, DN đó đã gặp bộ phận Cung ứng nội địa của một FDI để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của họ.
Khi ông chủ DN cung ứng chưa kịp nói gì, thì người của bộ phận Cung ứng nội địa đã hỏi: “Anh có biết nhà máy của chúng tôi tại Việt Nam sản xuất cái gì hay không? Anh có biết sản phẩm cốt lõi của nhà máy chúng tôi tại TP HCM là gì hay không?”. Và ông chủ DN Việt đó không biết thật.
Hoặc cách đây ba năm, Samsung chia sẻ: khi họ gặp vấn đề trục trặc, nhà cung ứng Hàn Quốc sẽ đến chờ ở ngoài nhà máy Samsung từ 5 giờ sáng; còn DN Việt Nam, sau 5 giờ chiều là không gặp được. “Muốn đi ra toàn cầu, DN Việt cần có tâm thế của kẻ tham gia cuộc chơi toàn cầu. Đặc biệt, nhà cung ứng Việt cần phải hiểu khách hàng mình là ai, cần gì, muốn gì..?”, bà Duy Oanh nhấn mạnh.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh:CSID)
Bên cạnh đó, DN Việt cần trau dồi năng lực liên kết nội địa. Tất cả nhà cung ứng phải công khai – minh bạch thông tin – năng lực để tận dụng cơ hội và đồng hành cùng nhau. Thời thế luôn thay đổi, không ai có thể sản xuất một mặt hàng hoài mãi. Một chiếc tivi hôm nay có giá 50 triệu đồng, nhưng 2 năm sau có khi chỉ còn 30 triệu đồng. Nguyên nhân chính là bởi nhiều người chủ vì quá tập trung sản xuất mà bỏ qua câu chuyện truyền thông – liên kết.
Trong tương lai, bà mong là Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở nhiều khía cạnh, từ đất đai đến máy móc, con người.
Muốn tham gia, thay vì vay tiền mua nhà xưởng máy móc mới, DN có thể thuê nhà xưởng – máy móc từ Nhà nước để nhanh chóng hình thành vài line sản xuất, rồi mạnh dạng nhận đơn hàng. Sau đó, khi DN đã lớn mạnh thì có thể dọn ra ngoài và tự đầu tư máy móc – công nghệ - nhân lực.
Phương cách nói trên vừa giúp DN rút ngắn thời gian chuẩn bị, vừa không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu, giá thành sản phẩm lại cạnh tranh hơn cách truyền thống. Theo bà Duy Oanh, thị trường ngoài kia khách hàng rất nhiều, quan trọng là DN Việt có chớp được thời cơ hay không. Ngược lại, các DN Việt nên thay đổi quan điểm “an cư lạc nghiệp” và hãy thử tiếp thu mô hình quản trị mới này.
Khi khách hàng đã tới đến cửa mà DN Việt không nhận được đơn hàng là lỗi của nhiều bên. Và một khi đã quyết định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt cần toàn tâm toàn ý xây dựng năng lực đội ngũ, để có thể tiếp cận thị trường thế giới. Mơ ước của vị Phó Giám đốc này là một ngày nào đó, ngành cơ khí – chế tạo của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới.