Chuyển đổi số khu vực công không đơn thuần là bài toán công nghệ hay kỹ thuật hạ tầng

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.
![]() |
PGS.TS Ngô Trí Long tại Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội". |
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành đúng vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng. Nghị quyết không chỉ đặt ra những mục tiêu dài hạn, mà còn định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia
Theo chuyên gia, chuyển đổi số thực chất là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và đặc biệt là năng lực kiến tạo và điều tiết thị trường của Nhà nước.
“Dưới góc nhìn kinh tế, chuyển đổi số trong khu vực công mang lại tác động rõ rệt về mặt hiệu quả, năng suất, khả năng phản ứng chính sách và môi trường minh bạch. Những điều này có thể minh chứng đo lường bằng luận cứ khoa học và thực tiễn kèm số liệu đáng tin cậy”, ông Long cho biết.
Tuy nhiên, cũng dưới góc nhìn kinh tế, ông Long đánh giá có 3 vấn đề hạn chế trong chuyển đổi số khu vực công Việt Nam. Đó là không có cơ chế kinh tế đo lường, đầu tư phân tán thiếu kết nối, văn hóa và thể chế không hỗ trợ tư duy dữ liệu. Điều này đang cản trở việc chuyển đổi số khu vực công ở Việt Nam phát triển toàn diện và hiệu quả.
“Việc bổ sung các cơ chế định lượng kinh tế, chuẩn hóa dữ liệu toàn quốc, nâng cao năng lực số của công chức và cải cách thể chế pháp lý sẽ là bước đột phá để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - 2030 một cách bền vững, hiệu quả và phù hợp với xu thế quốc tế”, chuyên gia kiến nghị.
Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, cùng đại diện các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty... đã cùng thảo luận về thực trạng và nêu ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong khu vực công, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ths. Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, các cơ quan nhà nước tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số từ năm 2018, tức khoảng 7 năm. Nhưng chuyển đổi số thực chất đi vào đời sống chỉ khoảng 4 năm nay.
![]() |
Ths. Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số. |
“Bây giờ ai cũng nhắc về chuyển đổi số. Chúng ta đã được Liên Hợp Quốc ghi nhận. Việt Nam đã tăng 15 hạng trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử, từ vị trí 86 lên 71 vào năm 2024. Đây chính là một nỗ lực, tín hiệu đáng mừng”, ông Tùng Anh chia sẻ tin vui và nhận định: “Chưa bao giờ Việt Nam có một cơ hội thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số như bây giờ”.
Điều phối Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là một cách mạng về công nghệ mà quan trọng hơn, là một cuộc cách mạng về thể chế bao gồm tổ chức, bộ máy, “cách chơi, người chơi, luật chơi”.
"Chính phủ số thì không phải câu chuyện thích ứng mà còn là đồng hành. Có nhiều bộ phận trong nền kinh tế, trong xã hội cùng chuyển đổi số nhưng Chính phủ phải là người tiên phong, dẫn dắt, kiến tạo", TS. Võ Trí Thành nhận định.
Đỗ Kiều