Chuyên gia kinh tế: Bong bóng AI có thể gây thiệt hại lớn hơn cả cú sập dot-com

Ông Torsten Slok, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý tài sản Apollo Global Management (Mỹ), cho rằng giá cổ phiếu của các công ty AI hiện đang bị thổi phồng quá mức, thậm chí còn vượt qua mức định giá của các công ty internet vào cuối thập niên 1990. Theo ông, đây là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng mới có thể sắp xảy ra.
Ông Slok chỉ ra rất nhiêu công ty đang hưởng lợi từ làn sóng AI. Các tên tuổi lớn như Apple, Microsoft, Google (Alphabet), Amazon, Meta, OpenAI… đang chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt trong vài năm gần đây, phần lớn nhờ dòng tiền đổ vào các dự án liên quan đến AI.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng mức tăng trưởng này không phản ánh đúng khả năng tạo ra lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp. Theo ông, phần lớn thành quả thị trường chứng khoán đạt được thời gian qua đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ đang “nóng” nhờ AI và điều này khó có thể kéo dài mãi.
Ông Slok so sánh tình hình hiện nay với bong bóng dot-com từng nổ ra vào đầu những năm 2000. Khi đó, hàng loạt công ty internet non trẻ được đầu tư hàng tỷ USD với kỳ vọng lớn, nhưng sau vài năm, thị trường sụp đổ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư trắng tay. Ngay cả những tập đoàn trụ lại như Amazon cũng mất đi hàng tỷ USD giá trị thị trường.
Và nếu “bong bóng AI” thực sự vỡ, hậu quả lần này có thể còn nghiêm trọng hơn cả cú sập dot-com năm xưa.
Dù không đưa ra thời điểm cụ thể, nhưng chuyên gia kinh tế Torsten Slok cảnh báo rằng thị trường công nghệ,đặc biệt là lĩnh vực AI, đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài chính giống như thời kỳ dot-com trước đây, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn.
Ngay cả những người không chuyên về tài chính cũng dễ dàng nhận ra sự "bất thường" khi nhiều ông lớn công nghệ đua nhau chi mạnh tay cho AI. Ví dụ, OpenAI gần đây tiết lộ rằng Meta sẵn sàng chi tới 100 triệu USD để thu hút nhân tài AI.
Trước đó, chính OpenAI cũng đã đầu tư 14 tỷ USD vào công ty ScaleAI, nhưng kết quả là 200 nhân viên tại đây bị sa thải. Trong khi đó, CoreWeave đầu tư 6 tỷ USD cho một trung tâm AI mới, Amazon dự kiến chi thêm 8 tỷ USD vào công ty AI Anthropic, còn Nvidia đang lên kế hoạch rót tới 500 tỷ USD vào cái gọi là “nhà máy AI”.
Những con số khổng lồ, nhưng câu hỏi đặt ra là: AI đã thật sự mang lại lợi nhuận xứng đáng với mức đầu tư đó chưa?
Chuyên gia cho rằng chưa. Và ông cảnh báo thị trường đang bị thổi phồng bởi kỳ vọng quá mức, không dựa trên hiệu quả kinh doanh thực tế. Đây là mô-típ quen thuộc mà thị trường từng chứng kiến với nhiều công nghệ "hot" trước đây.
Hãy nhớ lại metaverse từng được Meta (Facebook) đặt cược hàng chục tỷ USD, nhưng rồi nhanh chóng bị “bỏ xó” để chạy theo AI. Hoặc NFT, blockchain từng được quảng bá là sẽ thay đổi cả thế giới nghệ thuật, tài chính… nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.
Điểm khác biệt lần này là AI không chỉ xuất hiện ở một vài lĩnh vực, mà có mặt khắp nơi, từ công nghệ, tài chính, y tế đến giáo dục, thậm chí trong các sản phẩm gia dụng. Dù vậy, số lượng sản phẩm AI tạo ra lợi nhuận thực tế vẫn chưa nhiều.
Ông Slok cho rằng, nếu bong bóng AI nổ, thị trường sẽ trải qua giai đoạn thanh lọc. Những công ty đầu cơ hoặc sống nhờ kỳ vọng sẽ khó trụ vững. Trong khi đó, các tập đoàn lớn như Amazon, Google hay Meta có thể vẫn tồn tại, nhưng buộc phải cắt giảm đầu tư và thu hẹp hoạt động.
Tuy nhiên, giống như cú sập dot-com không “giết chết” internet, AI cũng sẽ không biến mất nếu bong bóng vỡ. Công nghệ này vẫn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích trong nhiều lĩnh vực. Chỉ có điều, chúng ta sẽ không còn thấy từ “AI” rầm rộ như hiện tại…
-Hạ Chi
]]>