Tin tức thị trường

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững

Vneconomy
· 1 giờ trước
Diễn đàn Công nghiệp xanh 2025, với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, các giải pháp đột phá từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan làm chính sách, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế...
Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 1
Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 2

“Ngành thép chịu áp lực lớn nhất đối với việc chuyển đổi đến từ thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn thép ra thị trường thế giới. Trong 13 triệu tấn, khoảng 40% là xuất khẩu sang các thị trường của các nước phát triển (trong đó EU khoảng 27% và Mỹ khoảng 13%).

Các nước phát triển đã đi đầu trong việc chuyển đổi xanh. Cụ thể, với thị trường EU, từ năm 2026 họ bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với một số sản phẩm, trong đó có sản phẩm nhôm thép, đến 2034 áp dụng đầy đủ và mở rộng sang nhiều sản phẩm khác. Với thị trường Mỹ, họ chậm một chút nhưng quy trình chuyển đổi xanh cũng không đảo ngược. Như vậy, trước sức ép và phải giữ được thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp thép phải chuyển đổi.

Bên cạnh đó, các chính sách về môi trường của Nhà nước cũng là một trong những yếu tố áp lực đối với việc chuyển đổi xanh. Trước đây, khi đi qua những nhà máy thép, có thể nhìn thấy khói bụi bốc lên từ những cơ sở sản xuất. Nhưng bây giờ, hầu hết các nhà máy thép đã có hệ thống hút bụi rất tốt, ít khí thải phát ra môi trường.

Ngành thép là một trong những ngành chuyển đổi khó khăn nhất bởi cần vốn đầu tư rất cao, việc chuyển đổi công nghệ trong một nhà máy thép không phải đơn giản. Như vậy, việc lựa chọn công nghệ ảnh hưởng lớn đến phát thải khí nhà kính. Chúng ta áp dụng các giải pháp công nghệ trong quá trình sản xuất sẽ giảm được áp lực môi trường, lựa chọn công nghệ tốt có thể đạt được hiệu quả tối ưu, thậm chí nó tạo ra những hiệu quả lớn về mặt kinh tế.

Thép cũng là một ngành sử dụng rất nhiều năng lượng, nếu không có năng lượng xanh sẽ không thể chuyển đổi thành công ngành thép sang một ngành công nghiệp xanh được. Do đó, chúng tôi rất cần Chính phủ có những cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn năng lượng xanh.

Việc sử dụng năng lượng xanh để giảm phát thải và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao, đặc biệt là trong bối cảnh các rào cản thương mại xanh như CBAM. Các doanh nghiệp đang tìm kiếm các giải pháp như sử dụng lò trung tần kết hợp năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và chuyển đổi sang các công nghệ xanh hơn”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 3

“Tổng công ty May 10 bước vào hành trình chuyển đổi xanh không chỉ vì từ áp lực thị trường, từ câu chuyện Việt Nam tuyên bố giảm thải về không vào năm 2050 tại COP26, mà từ nhận thức nội tại của chúng tôi. Đó là nếu không chuyển đổi xanh thì rất khó để hội nhập quốc tế, không chuyển đổi xanh thì rất khó có thể đứng vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.

Hơn 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi xanh, bắt đầu từ việc sử dụng những nguyên phụ liệu bền vững, như những nguyên phụ liệu tái chế, organic, cotton, những sản phẩm sợi xanh từ cà phê… Bên cạnh đó chúng tôi đã đầu tư một cách bài bản và toàn diện, như đầu tư vào điện năng lượng mặt trời áp mái với hàng triệu kWh tại những công trình lớn của May 10. Chuyển đổi từ sử dụng nồi hơi than đá sang sử dụng nồi hơi sinh khối làm giảm thải cả ngàn tấn CO2/năm. Gần đây nhất, chúng tôi mới khai trương nhà máy xây dựng theo tiêu chuẩn LEED tại khu vực Thái Bình và Hưng Yên.

Với việc chuyển đổi xanh như vậy, chúng ta sẽ giữ được thị trường và thậm chí khi tiên phong chúng ta lại có thêm những đơn hàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Song, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang xanh nhanh, tôi cho rằng rất cần cơ chế của Chính phủ. Cụ thể, cơ chế vốn, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Chúng ta đầu tư xanh sẽ cho ra sản phẩm xanh và đặc biệt sản phẩm xanh cần có thị trường, có người sử dụng. Vì thế, Nhà nước nên có những cơ chế về khuyến khích sử dụng những sản phẩm xanh, khuyến khích về thuế đối với những sản phẩm xanh đó và đối với những doanh nghiệp thực hiện công cuộc chuyển đổi xanh.

Đối với vốn, hiện nay chúng ta đã có những cơ chế tín dụng xanh nhưng việc tiếp cận lại rất khó, thủ tục rườm rà. Trong khi ở các nước khác, họ có ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 4

“Tập đoàn KN Holdings hiện đang phát triển hai khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Đồng Nai, gồm: Bàu Cạn – Tân Hiệp, nằm ở phía Nam sân bay Long Thành, với diện tích giai đoạn 1 là 1.000 ha, Xuân Quế – Sông Nhạn, nằm ở phía Đông Bắc sân bay Long Thành, với diện tích giai đoạn 1 là 1.000 ha.

Đây đều là những khu công nghiệp mới, có quy mô rất lớn, với tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 6.000 ha, với định hướng mô hình KCN sinh thái hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo tiêu chuẩn của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Nhận thức rằng việc đạt được Net Zero đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu, KN Holdings đã có những bước đi đột phá trong quy hoạch. Một trong những giải pháp cốt lõi là dành sẵn quỹ đất để xây dựng các hạng mục tái xử lý nước và xử lý rác thải. Điều này nhằm đảm bảo khi KCN đi vào hoạt động, hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn đã sẵn sàng, tránh tình trạng thiếu đất để triển khai sau này.

Về năng lượng, KCN sẽ được cung cấp khí đốt, ban đầu là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cụ thể là khí thiên nhiên nén (CNG). Tuy nhiên, do các loại khí này vẫn phát thải CO2, tập đoàn đã quy hoạch các khu vực riêng để trong tương lai có thể chuyển đổi sang cung cấp khí hydro xanh, một nguồn năng lượng sạch không phát thải carbon.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ các nhà đầu tư lớn như Meta, Apple và Microsoft về việc sử dụng 100% điện sạch để đạt Net Zero vào năm 2030, KN Holdings tận dụng lợi thế từ lĩnh vực năng lượng tái tạo của mình. Tập đoàn hiện có 200MW điện mặt trời và đang triển khai thêm 1.008MW. Theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, dự kiến hệ thống này sẽ được đấu nối và đóng điện trong năm sau. Nguồn điện sạch này sẽ được cung cấp trực tiếp cho các KCN. Để giải quyết vấn đề ổn định của năng lượng mặt trời, KN Holdings sẽ xây dựng hệ thống pin lưu trữ, đảm bảo nguồn điện được cung cấp liên tục và không gián đoạn.

Trong quá trình quy hoạch, KN Holdings đã hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín như Nippon Koei và Nikken Sekkei để thiết kế các KCN đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về Net Zero ngay từ giai đoạn đầu”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 5

“Với 30 năm hình thành và phát triển, Khu công nghiệp AMATA đã khẳng định vị thế là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam. Hiện đang vận hành 3 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha và đã thu hút khoảng 200 nhà máy, với tổng vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD. Nhiều tên tuổi lớn như Pepsi, Nestlé, Toshiba, cũng như các công ty lắp ráp điện tử hàng đầu như Foxconn và Lion đều có nhà máy đặt tại đây.

Ngay từ năm 2018, AMATA đã tiên phong tham gia chương trình phát triển khu công nghiệp sinh thái của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và đạt được điểm số cao nhất. Với khẩu hiệu “Không xả thải - Zero Discharge” được đề ra từ năm 2012, AMATA luôn theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ tuần hoàn nước và nâng cao các chỉ số bền vững.

Động lực cho sự chuyển đổi này đến từ hai phía: yêu cầu cung cấp năng lượng sạch và nước tái sử dụng từ các nhà đầu tư, và áp lực minh bạch hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững (ESG) khi được niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc kiểm toán carbon đã được thực hiện từ năm 2017, tạo cơ sở để AMATA đặt ra các mục tiêu giảm phát thải cụ thể.

Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã chứng minh mang lại ba lợi ích rõ rệt. Về kinh tế, các mô hình cộng sinh công nghiệp giúp tạo ra giá trị gia tăng. Về môi trường, giúp giảm thiểu đáng kể khí thải nhà kính. Về thương mại, việc đáp ứng các tỷ lệ tái chế trong sản phẩm là yêu cầu bắt buộc để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ tại các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, vẫn có những rào cản, trong đó có rào cản về chính sách. Ví dụ, một nhà đầu tư sẵn sàng xây dựng nhà máy tái chế nhựa đạt chuẩn an toàn thực phẩm tại khu công nghiệp AMATA, nhưng đã phải rút lui sau hai tháng do không thể xin được giấy phép vì các quy định quá phức tạp. Trong khi đó, một môi trường chính sách cởi mở hơn ở Quảng Ninh lại đang thu hút được các dự án tương tự. Điều này cho thấy sự thiếu nhất quán và những vướng mắc trong thủ tục hành chính đang làm lỡ mất các cơ hội đầu tư quan trọng.

Từ thực tiễn đó, tôi kiến nghị cần xây dựng các chính sách mạnh mẽ, đồng bộ và đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào lĩnh vực tái chế. Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình thành công của doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước, như ngành chế biến cá tra tuần hoàn. Quan trọng nhất, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần thay đổi tư duy, xem chất thải là một nguồn tài nguyên cần khai thác thay vì chỉ áp đặt các quy định siết chặt, để tạo điều kiện cho ngành kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 6

“Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã được sửa đổi bằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP và gần đây là Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) đã cụ thể hóa hỗ trợ hướng dẫn xây dựng các khu công nghiệp hướng tới khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đang triển khai thí điểm khoảng 6 -7 khu công nghiệp sinh thái. Qua quá trình khảo sát tìm hiểu, làm việc trực tiếp với một số lãnh đạo doanh nghiệp, khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay về vấn đề công nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn, cho thấy, nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp sinh thái đã có những thay đổi và ở mức cao.

Các doanh nghiệp có lãnh đạo điều hành là người nước ngoài hay Việt Nam tại các khu công nghiệp này đều đặt mục tiêu hướng tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế tạo lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cũng trăn trở với mục tiêu làm thế nào để phát triển khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái?.

Các doanh nghiệp này cũng ý thức rõ để phát triển trong tương lai, cần phải trở thành khu công nghiệp sinh thái mới có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp, hướng tới đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều được các doanh nghiệp quan tâm nhất là sự đơn giản và minh bạch trong thực thi các chính sách quy định về phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Ví dụ, ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có 1 phòng với 5 luật sư nghiên cứu chính sách pháp luật của Việt Nam, để doanh nghiệp tuân thủ đúng, giúp khu công nghiệp hướng tới trở thành khu công nghiệp sinh thái. Hoặc như tại Khu công nghiệp Deep C cũng dành 3-5 luật sư để nghiên cứu pháp luật Việt Nam, giúp khu công nghiệp nhanh chóng thực hiện các điều kiện tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của một khu công nghiệp sinh thái.

Do đó, tôi cho rằng cần sự đồng hành của các cấp chính quyền, nhất là địa phương, cũng như hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện sẽ giúp cho các khu công nghiệp sinh thái phát triển, hướng tới nền công nghiệp xanh, tạo động lực quan trọng giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 7

“Mặc dù mục tiêu kép về tăng trưởng xanh đã được đặt ra và chính sách phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã có từ năm 2018, được hoàn thiện bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với hệ thống tiêu chí rõ ràng, và có thông tư hướng dẫn, nhưng thực tế cho thấy đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một KCN nào được cấp chứng nhận chính thức. Điều này bộc lộ một khoảng cách lớn giữa chủ trương và thực tiễn, khi các KCN chưa thực sự mặn mà với mô hình phát triển bền vững này.

Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư lớn. Qua thực tế kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp, cho thấy việc làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém. Đơn cử như việc bố trí diện tích đất cho cây xanh, năm 2018, giá 1m2 đất trong khu công nghiệp là 75 USD, nhưng đến nay giá đất tại Khu công nghiệp Nhật Bản- Hải Phòng giai đoạn 2 khoảng 220 USD/m2. Nếu bố trí 25% diện tích đất khu công nghiệp cho cây xanh theo tiêu chuẩn, nhà đầu tư sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí cho năng lượng sạch và quy trình sản xuất sạch hơn cũng là một gánh nặng tài chính không nhỏ.

Đáng lưu ý, tình trạng “Greenwashing – tẩy xanh” cũng đang trở thành một vấn đề báo động. Nhiều doanh nghiệp, KCN mới đăng ký xây dựng theo mô hình sinh thái chủ yếu để được cấp phép, nhưng bản chất chỉ là hình thức bề ngoài. Chất lượng “sinh thái” thật sự của các KCN này cần từ 5 đến 10 năm mới có thể kiểm chứng, trong khi sự chuyển đổi thực chất bên trong các nhà máy lại không diễn ra. Một KCN không thể được coi là “xanh” nếu các doanh nghiệp hoạt động bên trong đó không thực hành sản xuất sạch hơn và tuần hoàn tài nguyên.

Để giải quyết những thách thức trên, chính sách cần phải đồng bộ, hấp dẫn và có tính khuyến khích cao hơn. Quan trọng hơn, sự thay đổi phải đến từ cốt lõi của hoạt động sản xuất. Một giải pháp đột phá được đề xuất là xây dựng sàn giao dịch chất thải ngay trong các KCN. Mô hình này sẽ tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp, nơi các nhà máy có thể “tự tiêu thụ chất thải của nhau”, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiến tới mục tiêu KCN không phát thải (Net Zero), biến mục tiêu tăng trưởng xanh thành hiện thực”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 8

“Artelia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, kiểm toán, thiết kế các tòa nhà thông minh, năng lượng. Trong quá trình làm việc với các nhà phát triển bất động sản để thiết kế các tòa nhà thông minh tại Việt Nam, Artelia thấy rằng các doanh nghiệp ngày càng chú ý đến người lao động trong cơ sở sản xuất. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào việc kiến tạo những không gian làm việc chất lượng cao, chú trọng các yếu tố như cảnh quan xanh, hạ tầng giao thông thuận tiện và lối đi cho người khuyết tật.

Một trong những giải pháp đột phá mà Artelia đề xuất là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ngay trong các khu công nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có ngành nghề mang tính bổ trợ cho nhau có thể tối ưu hóa việc sử dụng chung tài nguyên như nước và năng lượng. Ví dụ điển hình là việc tận dụng vỏ trấu (một phế phẩm nông nghiệp) để làm nhiên liệu đốt hiệu suất cao. Để mô hình này thành công, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần có chiến lược lựa chọn doanh nghiệp phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như trách nhiệm xã hội (CSR).

Đối với các nhà máy hiện hữu, Artelia ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm năng lượng nhằm cải thiện hiệu suất sản xuất. Các giải pháp cụ thể bao gồm lắp đặt hệ thống điều hòa không khí thông minh tích hợp cảm biến để giám sát và tối ưu hóa mức tiêu thụ.

Trong quá trình thiết kế các công trình mới, Artelia kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật và các điều kiện ngoại cảnh. Vị trí địa lý, hướng gió, khí hậu địa phương và khả năng cách nhiệt của vật liệu đều được phân tích kỹ lưỡng. Đồng thời, công ty cũng chủ động tư vấn khách hàng áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống giám sát vận hành bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống quản lý, tái chế nước thải. Bằng cách tích hợp đồng bộ giữa kiến trúc, kỹ thuật và công nghệ thông minh, Artelia hướng đến việc tạo ra những cơ sở sản xuất không chỉ thông minh mà còn có khả năng thích ứng cao và bền vững theo mô hình tuần hoàn”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 9

“Việt Nam đang đối mặt với một thách thức môi trường nghiêm trọng khi mỗi năm thải ra hàng chục triệu tấn sản phẩm và bao bì, trong đó ngành nhựa chiếm khoảng 5 triệu tấn. Việc tuần hoàn lượng rác thải khổng lồ này được xem là con đường tất yếu để đạt được tăng trưởng xanh, giảm phụ thuộc vào tài nguyên và xây dựng một xã hội văn minh hơn.

Mặc dù, ngành nhựa mang lại nhiều giá trị cho tiêu dùng và xã hội, song lại đang đối mặt với “tiếng xấu” về ô nhiễm môi trường, chủ yếu phát sinh từ khâu sau tiêu dùng. Thực tế cho thấy, trong khi nguồn lực khổng lồ được đầu tư cho sản xuất và tiêu dùng nhựa, thì chúng ta lại chỉ dành một nguồn lực rất nhỏ cho việc thu gom và tái chế. Chúng ta nghĩ rất ít đến việc xử lý sản phẩm và bao bì sau tiêu dùng.

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược. Đối với ngành nhựa, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn là yếu tố sống còn. Nhận thức rõ điều này, các doanh nghiệp như Vietcycle đang tiên phong thay đổi với sứ mệnh “Vì Việt Nam văn minh với rác”. Mục tiêu của Vietcycle là góp phần xây dựng một Việt Nam sạch đẹp, văn minh trong 10-15 năm tới thông qua việc thu gom và tái chế rác thải hiệu quả. Bởi lẽ, một quốc gia có thu nhập cao nhưng rác thải bừa bãi sẽ không được đánh giá cao về mức độ văn minh.

Áp lực từ thị trường quốc tế cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi. Ví dụ, các sản phẩm nhựa xuất khẩu sang châu Âu hiện yêu cầu tới 30% thành phần là hạt nhựa tái sinh và sẽ tăng lên 35% vào năm 2028. Đặc biệt, túi đựng rác tại châu Âu phải chứa đến 70% hạt nhựa tái sinh. Điều này buộc ngành nhựa Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ và ngành tái chế để đáp ứng tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ngành tái chế tại Việt Nam trong suốt 30-40 năm qua chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hoạt động tái chế chủ yếu diễn ra tại hàng nghìn làng nghề trên cả nước, gây ra những vấn đề lớn về phát thải thứ cấp, ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Để giải quyết những thách thức này và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xanh, chính sách đóng vai trò quan trọng nhất. Theo đó, cần có những chính sách đột phá về tài chính, công nghệ và các chính sách thông minh khác để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cùng với việc chủ động ứng phó với các cơ chế quốc tế như CBAM của EU, là những bước đi cần thiết để Việt Nam có thể đi nhanh và bền vững trên con đường tăng trưởng xanh”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 10

“Mặc dù nhiều doanh nghiệp nói về “xanh” nhưng thực tế chưa tới 10 doanh nghiệp có chứng nhận đo lường, kiểm đếm khí nhà kính chính xác và đội ngũ chuyên trách về phát triển bền vững (ESG Manager) còn rất mỏng.

Rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Câu hỏi “Tiền đâu mà xanh?” trở thành rào cản lớn, khi doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lợi ích ngắn hạn. Quá trình chuyển đổi xanh vừa mới, vừa khó, đòi hỏi sự đầu tư lớn, trong khi hiệu quả chưa thể thấy ngay.

Xuất phát từ chính yêu cầu của các đối tác quốc tế, FPT đã xác định “xanh” là một trong năm chiến lược mũi nhọn sống còn của tập đoàn. Trong đó, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), chính là lời giải cho bài toán này. AI không chỉ là một khái niệm xa vời, mà đã được ứng dụng thực tế để tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí.

Cụ thể, FPT đang sử dụng AI để tự động hóa việc viết mã phần mềm, giúp tăng tốc độ phát triển sản phẩm. Trong các nhà máy và văn phòng, AI có thể tự động điều chỉnh hệ thống chiếu sáng, điều hòa dựa trên dự báo thời tiết và thói quen sử dụng, giúp tiết kiệm năng lượng. Trong sản xuất, công nghệ Vision AI giúp phát hiện lỗi sản phẩm một cách tự động, giảm thiểu lãng phí.

Một điển hình thành công là trường hợp của nhà thuốc Long Châu. Bằng cách dùng AI để dự báo nhu cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Long Châu đã mở rộng từ 20 lên 2.000 cửa hàng trong thời gian rất ngắn mà vẫn duy trì dòng tiền dương, giảm thiểu lượng thuốc hết hạn và chi phí vận hành. Điều này cho thấy chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ không chỉ là chi phí mà còn tạo ra hiệu quả kinh doanh vượt trội.

Tóm lại, FPT xem chuyển đổi xanh không phải là một gánh nặng, mà là một cơ hội để đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Công nghệ chính là chìa khóa để giải quyết các thách thức, giúp doanh nghiệp vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường một cách hiệu quả và bền vững”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 11

“Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Viện Tăng trưởng toàn cầu (GGGI) với vai trò là đối tác hỗ trợ kỹ thuật và huy động tài chính, nhận thấy các khu công nghiệp (KCN) chính là nhân tố then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu trên.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái (EIP) tại Việt Nam còn rất chậm. Theo Vietnam Economic Times, chỉ khoảng 1-2% số khu công nghiệp tại Việt Nam đã tiến hành chuyển đổi theo tiêu chuẩn EIP, với chỉ khoảng 1-2% KCN đạt được tiêu chuẩn này.

Theo tôi, rào cản lớn nhất hiện nay là sự thiếu vắng một khung chính sách đồng bộ cấp quốc gia để dẫn dắt và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Song song với việc xây dựng chính sách, các doanh nghiệp có thể học hỏi mô hình cộng sinh công nghiệp thành công tại thành phố Kalundborg ở Đan Mạch, nơi cộng đồng doanh nghiệp đã tự hợp tác để tạo ra một chu trình kinh tế tuần hoàn hiệu quả mà không cần chờ đợi sự can thiệp của chính quyền.

Một rào cản lớn nữa đối với việc nhân rộng mô hình EIP chính là chi phí để chuyển đổi hạ tầng các KCN đang hoạt động. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng đổi mới sáng tạo đang ngày càng tăng tốc với các giải pháp công nghệ như AI và số hóa được ứng dụng rộng rãi, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa phục vụ quá trình chuyển đổi xanh của mỗi khu công nghiệp.

Một ví dụ có thể được nhắc tới chính là sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững. Hiện nay, các khu công nghiệp của Việt Nam chưa có doanh nghiệp tái chế dầu ăn thành những loại nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường. Đây là một loại nhiên liệu dự kiến đem lại lợi ích kinh tế cao, khi các hãng hàng không như Vietnam Airlines cho biết sẽ tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu bền vững.

Nhiều nhà máy lọc dầu tại Hàn Quốc đang thu mua dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng ở Việt Nam để xử lý thành nhiên liệu máy bay bền vững và thu được lợi nhuận lớn. Nếu các khu công nghiệp của Việt Nam có thể tập trung vào lợi nhuận tiềm năng từ việc phát triển công nghệ mới tại các khu công nghiệp xanh, thay vì lo lắng về chi phí đầu tư ngắn hạn, thì có rất nhiều cơ hội chuyển đổi theo hướng bền vững cho ngành công nghiệp ở Việt Nam.

Để tận dụng những cơ hội mới này Việt Nam cần có cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ. GGGI có những quỹ hỗ trợ tài chính và cũng sẵn sàng hợp tác với chính quyền, KCN địa phương để tìm giải pháp chuyển đổi theo mô hình EIP thích hợp cho mỗi khu vực”.

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 12

VnEconomy 23/07/2025 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Công nghiệp xanh: Giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững - Ảnh 13

-

]]>

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS