Đánh thuế phần lãi chứng khoán: Bài toán giữa ngân sách và phát triển thị trường vốn

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trong đó đề xuất chuyển cách tính thuế chứng khoán từ thuế khoán 0,1% trên giá bán từng giao dịch sang thuế suất 20% trên phần lãi ròng – tức phần chênh lệch dương giữa giá bán và giá mua sau khi trừ chi phí. Phần thu nhập này được xác định theo năm.
Tại chia sẻ mới đây với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, thay đổi cách tính này là cần thiết và phù hợp với xu hướng quốc tế. Cách thu hiện hành đã không còn phản ánh đúng bản chất thu nhập, vì nhà đầu tư vẫn bị thu thuế ngay cả khi lỗ.
Trong khi đó, phương pháp mới tạo điều kiện công bằng hơn cho nhà đầu tư, nhất là nhóm cá nhân thường xuyên giao dịch. Với việc hệ thống công nghệ đang được nâng cấp và xu hướng sử dụng các công cụ giao dịch hiện đại như robot, AI ngày càng phổ biến, cơ chế thuế mới sẽ phù hợp hơn với giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mức thuế 20% nên điều chỉnh theo thời gian nắm giữ
Dù đồng thuận với phương pháp tính thuế mới, ông Minh cho rằng việc áp một mức thuế cố định 20% cho mọi giao dịch có thể chưa thật sự phù hợp. Ông đề xuất nên chia bậc thuế theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, với quan điểm rằng những người đầu tư dài hạn cần được ưu đãi hơn so với nhà đầu tư lướt sóng.
Cách tiếp cận này đã được nhiều thị trường lớn như Singapore hay Nhật Bản triển khai, thông qua các chính sách miễn hoặc giảm thuế với các khoản đầu tư có thời hạn nắm giữ lâu dài. Việc áp dụng cơ chế thuế phân hóa theo thời gian, theo ông Minh, không chỉ giúp tạo động lực giữ vốn trên thị trường lâu hơn mà còn góp phần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, phù hợp với định hướng giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cần tính đến yếu tố cạnh tranh quốc tế
Một trong những mối quan tâm lớn mà ông Minh đặt ra là tính cạnh tranh về thuế trong bối cảnh Việt Nam hướng tới xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Các thị trường như Singapore đang miễn thuế với nhiều loại hình đầu tư, và nếu Việt Nam áp thuế 20% ở cùng một mức cho mọi trường hợp, khả năng thu hút dòng vốn sẽ bị ảnh hưởng.
Ông cho rằng chính sách thuế cần được đặt trong tương quan khu vực và toàn cầu, nhất là khi các nước đang cạnh tranh nhau để hút vốn bằng chính sách ưu đãi. Đồng thời, việc áp thuế cần đi đôi với định hướng phát triển thị trường vốn bền vững, tức phải khuyến khích dòng tiền dài hạn, thay vì tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ ngắn hạn.
Thuế nên là công cụ điều tiết hành vi đầu tư
Thực tế thị trường cho thấy phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay có chu kỳ đầu tư ngắn, chủ yếu lướt sóng, dẫn tới tỷ lệ thua lỗ cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cần tránh thu thuế, mà cần điều chỉnh cách đánh thuế để định hình lại hành vi đầu tư.
Theo ông, chính sách thuế nên hướng tới việc khuyến khích nhà đầu tư chuyển sang các sản phẩm có tính ổn định và dài hạn hơn như chứng chỉ quỹ, quỹ hưu trí… Những khoản đầu tư như vậy nên được giảm thuế hoặc miễn thuế sau một thời gian nắm giữ đủ dài. Bằng cách đó, thị trường sẽ dần dịch chuyển theo hướng tích lũy bền vững, thay vì xoay quanh các hoạt động ngắn hạn thiếu ổn định.
Từ góc nhìn phân tích, ông Minh nhấn mạnh rằng việc xây dựng chính sách thuế không nên đặt trong thế đối lập giữa thu ngân sách và phát triển thị trường. Hai mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được đồng thời nếu hệ thống thuế được thiết kế đủ hợp lý.
Một trong những giải pháp ông đề xuất là áp dụng khung thuế suất giảm dần theo thời gian nắm giữ. Chẳng hạn, giữ cổ phiếu dưới một năm có thể áp thuế 20%, hay 15%, và nếu đầu tư từ 10 năm trở lên thì có thể miễn thuế. Cơ chế như vậy giúp Nhà nước vẫn thu được thuế từ nhóm đầu tư ngắn hạn, trong khi tạo ra động lực rõ ràng để khuyến khích nhà đầu tư dài hạn gắn bó với thị trường.