
Với sự ra đời Nghị quyết 57-NQ/TW, doanh nghiệp sẽ thuận lợi khi mở rộng đầu tư công nghệ số.
Động lực lớn cho doanh nghiệp
Bước vào kỷ nguyên kinh tế số và hội nhập sâu rộng, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yếu tố sống còn. Đây là điều kiện để doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh, thích ứng với thị trường và tối ưu vận hành.
Trong bối cảnh đó, sự ra đời Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) được xem là điểm tựa chiến lược, tiếp thêm niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ. Đây không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là động lực cho tăng trưởng bền vững và sáng tạo.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị (Công ty Du lịch Vietravel) chia sẻ, trước khi có Nghị quyết 57, đầu tư vào chuyển đổi số và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) là một gánh nặng lớn với doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch - nơi dòng tiền thường được ưu tiên cho hoạt động vận hành và chăm sóc thị trường.
“Giờ đây, Nghị quyết 57 là bước ngoặt có tính định hướng lâu dài. Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ kế hoạch phát triển trung và dài hạn, đồng thời điều chỉnh chiến lược đầu tư để phù hợp với mục tiêu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, bà Khanh nói.
Hiện Vietravel đang tái cấu trúc hệ thống quản trị theo mô hình số hóa, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi khâu, từ phát triển sản phẩm, tiếp thị, đến chăm sóc khách hàng. Một phần ngân sách đáng kể đang được doanh nghiệp này ưu tiên cho các dự án về AI, Big Data, đặc biệt là mở rộng nền tảng Vietravel App, tích hợp công nghệ phân tích hành vi du khách để cá nhân hóa hành trình và dịch vụ.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, kết nối đa điểm từ đặt vé máy bay, khách sạn, bảo hiểm du lịch, cho đến thanh toán và phản hồi theo thời gian thực”, bà Khanh cho biết thêm.
Không chỉ trong lĩnh vực du lịch, tinh thần chủ động chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều ngành nghề, nhất là ở khu vực tư nhân. Với những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ hoặc định hướng đổi mới từ sớm, Nghị quyết 57 không chỉ tiếp sức, mà còn củng cố thêm niềm tin để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi.
Giám đốc điều hành CABO Capital, ông Nguyễn Hà Minh Thông cho hay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng AI trong quản lý nội bộ, nhờ đó giảm được 20% chi phí vận hành, đồng thời nâng cao hiệu quả toàn hệ thống.
Doanh nghiệp này dự kiến tăng tỷ lệ đầu tư cho chuyển đổi số lên 25-30% ngân sách hàng năm giai đoạn 2026-2030, tập trung vào 3 trụ cột: nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng giải pháp sáng tạo và phát triển nhân lực số.
“Chúng tôi cũng cam kết hợp tác với các viện nghiên cứu, đối tác quốc tế để cập nhật công nghệ mới, đồng thời chủ động tham gia các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 57”, ông Thông nói.
Nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông
Nghị quyết 57-NQ/TW được xem là điểm tựa chiến lược, tiếp thêm niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, để chuyển đổi số bài bản, doanh nghiệp cần nguồn lực rất lớn về tài chính, nhân sự và thời gian. Theo bà Vân Khanh, việc đầu tư vào các nền tảng như AI, Big Data hay tự động hóa quy trình, đòi hỏi một lộ trình dài hơi, có sự đồng hành và hỗ trợ thiết thực từ phía chính sách.
Một trong những khó khăn lớn là chưa có định nghĩa rõ ràng về “dự án chuyển đổi số”, khiến doanh nghiệp gặp nhiều rào cản khi muốn tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. “Chúng tôi mong Nhà nước cụ thể hóa các chương trình tín dụng đặc thù, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cho đầu tư công nghệ”, bà Vân Khanh kiến nghị.
Ngoài ra, sự thiếu kết nối dữ liệu giữa các địa phương, ngành nghề cũng khiến tiềm năng chuyển đổi số chưa thể phát huy hết. Trong lĩnh vực du lịch, nhu cầu chia sẻ dữ liệu hành vi khách hàng, xu hướng tiêu dùng hay tích hợp nền tảng du lịch thông minh liên vùng là rất cấp thiết, nhưng hiện mỗi địa phương vẫn triển khai rời rạc, thiếu liên thông.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hà Minh Thông cũng cho rằng, Nghị quyết 57 đề cập ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng cần cụ thể hơn, ví dụ, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu cho các dự án AI hoặc IoT, đồng thời có cơ chế tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Đặc biệt, cần tiếp tục cắt giảm ít nhất 20% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công nghệ như quy định tại Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Ví dụ, quy trình phê duyệt dự án đầu tư công nghệ cao cần được số hóa hoàn toàn và rút ngắn thời gian xử lý xuống dưới 30 ngày”, ông Thông đề xuất.
Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay không nằm ở nhận thức hay quyết tâm của doanh nghiệp, mà nằm ở sự thiếu đồng bộ về thể chế và cơ chế khuyến khích đủ mạnh trong giai đoạn đầu.
Để Nghị quyết 57 thực sự trở thành cú hích chiến lược, các bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ, từ tín dụng, thuế, dữ liệu đến thử nghiệm công nghệ. Đồng thời, xây dựng “cẩm nang số” trên nền tảng trực tuyến, giúp doanh nghiệp từng bước tiếp cận, lựa chọn công nghệ phù hợp và tối ưu quy trình chuyển đổi số.