Tin tức thị trường

Hỗ trợ nông hộ trồng cà phê vượt qua các 'rào cản' để đáp ứng quy định EUDR

Vneconomy
· 2 giờ trước
Mặc dù không phải tất cả nông hộ đều phải tuân thủ EUDR ngay từ đầu, nhưng xu hướng minh bạch hóa và truy xuất nguồn gốc đang trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường. Việc thích ứng với EUDR không chỉ là điều kiện để duy trì xuất khẩu vào EU, mà còn là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị và tính bền vững cho ngành cà phê Việt Nam…

Vừa qua, tại phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phiên trao đổi kỹ thuật: "Nông hộ sản xuất cà phê và khả năng đáp ứng EUDR" do Nhóm Công tác EUDR (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức đã thu hút đông đảo nông dân ở Đắk Lắk tham gia. 

Thông tin tại phiên trao đổi, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết hiện cả nước có khoảng 600.000 hộ dân đang tham gia sản xuất cà phê với diện tích canh tác hộ chiếm tới 95% trong tổng số 720.000 ha trồng cà phê của cả nước, chủ yếu tập trung tại 5 tỉnh Tây Nguyên – vùng trồng cà phê truyền thống của Việt Nam.

RÀO CẢN PHÁP LÝ TRONG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong bối cảnh Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2025, ngành cà phê Việt Nam – với 90% sản lượng phục vụ xuất khẩu đang đứng trước một bước chuyển lớn. Đặc biệt, khi thị trường EU chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, việc tuân thủ EUDR là yêu cầu sống còn.

Theo ông Tuấn, thách thức đặt ra không chỉ đến từ doanh nghiệp, mà chủ yếu nằm ở cấp nông hộ – đối tượng đang chiếm tới 95% nguồn cung cà phê nguyên liệu của cả nước.

Một khảo sát do Forest Trends và Vicofa thực hiện tại Tây Nguyên và Sơn La cho thấy, cà phê đóng góp tới 78,8% thu nhập của hộ, tương đương khoảng 590 triệu đồng/năm.

Phiecirc;n trao đổi kỹ thuật cugrave;ng nocirc;ng dacirc;n trồng cagrave; phecirc;.
Phiên trao đổi kỹ thuật cùng nông dân trồng cà phê.

Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê của các hộ nhỏ lẻ, phân tán. Trung bình mỗi hộ chỉ sở hữu khoảng 1,3 ha đất canh tác, chia thành nhiều lô nhỏ. Có tới 61% số hộ có dưới 2 ha, trong đó 34% dưới 1 ha. Gần 50% số hộ chỉ có một lô đất, 40% có 2–3 lô, và chỉ 9% sở hữu từ 4–5 lô. Việc canh tác phân mảnh đặt ra không ít khó khăn cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc cũng như đáp ứng các yêu cầu pháp lý theo EUDR.

 

"Điểm tích cực là 96% các lô đất trồng cà phê được canh tác từ trước năm 2020, trong đó 26% trước cả năm 2000. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định hộ là chủ thể canh tác hợp pháp, bởi EUDR không áp dụng hồi tố với các diện tích đất được khai hoang sau ngày 31/12/2020”.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Forest Trends.

TS.Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Forest Trends, đồng thời cũng là thành viên của Nhóm Công tác EUDR, cho biết một trong những rào cản lớn nhất mà nông hộ gặp phải là tính pháp lý trong quyền sử dụng đất. Khảo sát cho thấy, khoảng 70% hộ đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trong khi số còn lại, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có đủ hồ sơ chứng minh quyền sở hữu. Cụ thể, có tới 82% số lô đất của hộ người Kinh đã có sổ đỏ, trong khi tỷ lệ này ở hộ đồng bào chỉ đạt 55%.

Thêm vào đó, khoảng cách từ lô đất canh tác đến bìa rừng – tiêu chí quan trọng trong đánh giá rủi ro mất rừng cũng khác biệt rõ giữa các nhóm dân cư. Trung bình, lô đất của hộ người Kinh cách rừng khoảng 9,9 km, trong khi của hộ đồng bào chỉ cách 4,6 km, tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Khoảng 10% số lô đất khảo sát có khoảng cách tới rừng dưới 300m – được đánh giá là rủi ro cao – song đa số đã có giấy tờ hợp pháp, giảm nguy cơ vi phạm EUDR.

TRUY XUẤT NGUỒN GỐC: ĐIỂM NGHẼN LỚN NHẤT

Dù cà phê là sinh kế chính, nhưng hoạt động truy xuất nguồn gốc tại cấp hộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng 54% số hộ không ghi chép bất kỳ thông tin nào về thu hái, lưu trữ và tiêu thụ sản phẩm. Số còn lại có ghi chép, nhưng không tách biệt theo từng lô đất hay từng đợt thu hoạch, gây khó khăn cho kiểm tra, xác minh thông tin đầu vào – đầu ra của sản phẩm.

Khảo sát cũng cho thấy, 38,8% số lô đất đang được canh tác theo hướng bền vững. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tình trạng nhiều hộ không phân tách sản phẩm thu hoạch từ các lô đất khác nhau hoặc từ các thời điểm thu hoạch khác nhau, dẫn tới rủi ro lớn trong công tác truy xuất – một yêu cầu bắt buộc trong quy định EUDR.

Theo đại diện IDH (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững), "tử huyệt" lớn nhất hiện nay là 95% cà phê đến từ nông hộ và đa số các công ty xuất khẩu dù đã có hệ thống truy xuất, nhưng lại gặp khó khăn tại khâu trung gian – các đại lý thu mua từ hộ dân. Việc đại lý không thể ghi nhận cụ thể sản phẩm được mua từ lô đất nào khiến hệ thống truy xuất bị gián đoạn. IDH hiện đang thí điểm một mô hình truy xuất từ đại lý xuống tận nông hộ, dự kiến triển khai rộng rãi từ tháng 10 năm nay.

TS. Tocirc; Xuacirc;n Phuacute;c:
TS. Tô Xuân Phúc: "Doanh nghiệp cần vào cuộc thực chất hơn, không chỉ dừng lại ở khâu bao tiêu hay thu mua sản phẩm".

TS.Tô Xuân Phúc cho biết việc thiếu hệ thống truy xuất, thiếu bằng chứng pháp lý trong sử dụng đất, thiếu thông tin địa lý chính xác và rủi ro mất rừng là những thách thức lớn mà nông hộ phải đối mặt nếu muốn đáp ứng EUDR.

“Không thể kỳ vọng hộ tự thân vận động trong một cuộc chuyển đổi lớn như thế này. Doanh nghiệp cần vào cuộc thực chất hơn, không chỉ dừng lại ở khâu bao tiêu hay thu mua sản phẩm”, ông Phúc nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, cần xác định nông hộ là một hợp phần không thể tách rời trong chuỗi cung ứng, từ đó hỗ trợ hộ xây dựng hệ thống ghi chép, thu thập tọa độ địa lý lô đất, đảm bảo tính pháp lý và đáp ứng các yêu cầu truy xuất.

Về phía chính quyền địa phương, cần hỗ trợ hộ trong việc xác minh quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin nền về hiện trạng rừng, tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm hộ – nhất là nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Tuấn, thực tế cho thấy, các yếu tố như phân mảnh đất đai, chênh lệch về điều kiện pháp lý giữa các nhóm dân cư, và thiếu hạ tầng truy xuất đã và đang cản trở sự phát triển bền vững của ngành hàng cà phê. Chỉ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức hỗ trợ, nông hộ mới có thể vượt qua được những rào cản này.

"Việc thu thập vị trí địa lý của lô đất không khó nếu hộ có điện thoại thông minh và được hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ. Do đó, nhà nước cần sớm hoàn thiện bản đồ số đất nông nghiệp và cung cấp miễn phí cho người dân, hỗ trợ họ thực hiện các yêu cầu truy xuất", ông Tuấn kiến nghị.

-Chương Phượng

]]>

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS