HTX tìm con đường xuất khẩu phù hợp vào ‘xứ sở cờ hoa’

Những băn khoăn xoay quanh mô hình xuất khẩu B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) hay B2C (doanh nghiệp – người tiêu dùng) đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với chính các HTX.
Cân nhắc để có lựa chọn phù hợp
Đại diện một HTX ở Đồng Tháp cho biết, hiện HTX có sản phẩm có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ đó là sầu riêng đông lạnh, bánh tráng, cà phê, trái cây sấy. Để làm được điều này, HTX đã xây dựng quy trình HACCP nhưng hiện các thành viên HTX vẫn chưa biết việc xuất khẩu những sản phẩm này nên theo B2B hay B2C.
Theo ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách chính sách tại Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, hiện có hai hình thức xuất khẩu phổ biến sang Hoa Kỳ là B2B và B2C. Mỗi mô hình xuất khẩu đều có những ưu điểm và thách thức riêng, đòi hỏi các doanh nghiệp, nhất là những HTX phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên năng lực nội tại và đặc thù sản phẩm.
Mô hình B2B là khi các HTX Việt Nam bán hàng cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ để họ phân phối lại trên thị trường nội địa. Đây là một con đường đã được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn và gặt hái thành công.
Tuy nhiên, ông Mealy nhấn mạnh, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt, bao gồm cả các HTX, thường gặp phải khi đi theo hướng B2B chính là chất lượng sản phẩm và nguyên liệu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Thị trường Mỹ nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, vệ sinh, truy xuất nguồn gốc và các chứng nhận chất lượng (như FDA, USDA Organic, GlobalGAP, HACCP…). Việc đạt được các chứng nhận này đòi hỏi quy trình sản xuất chuẩn hóa, đầu tư công nghệ và giám sát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm. Đối với nhiều HTX quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, đây thực sự là một rào cản đáng kể.
![]() |
Sầu riêng đông lạnh có tiềm năng xuất khẩu sang Mỹ. |
Bên cạnh chất lượng, sản lượng cũng là một yếu tố then chốt. Các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ thường yêu cầu khối lượng hàng hóa ổn định và đủ lớn để đáp ứng nhu cầu phân phối trên diện rộng. Liệu một HTX đơn lẻ có thể đảm bảo nguồn cung liên tục và đủ lớn theo yêu cầu của đối tác Mỹ? Đây là bài toán về năng lực sản xuất, khả năng liên kết chuỗi giá trị và quản lý rủi ro mà nhiều HTX đang trăn trở.
Ông Mealy cũng đặt ra câu hỏi về khả năng cạnh tranh về giá so với các mặt hàng cùng loại đã đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự. Dù giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được nhiều công ty Mỹ nhận thấy là phù hợp và mang lại lợi nhuận cho cả hai bên, việc định giá sản phẩm sao cho vừa hấp dẫn đối tác, vừa đảm bảo lợi nhuận cho HTX là điều cần tính toán kỹ lưỡng.
Đối với một số sản phẩm nông sản đặc thù của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, cà phê, bánh tráng, trái cây sấy – những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn mà một HTX ở Đồng Tháp đang sản xuất, ông Mealy nhận định rằng mô hình B2B thường phù hợp hơn.
Lý do là các sản phẩm này đòi hỏi quy trình bảo quản, vận chuyển phức tạp và thường được tiêu thụ với số lượng lớn thông qua các kênh phân phối sỉ hoặc chuỗi siêu thị. Để thành công, việc HTX hoàn thiện quy trình HACCP là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các HTX có sản phẩm này cần chủ động tiếp cận các cố vấn và tham tán thương mại để nhận lời khuyên chuyên sâu về các tiêu chuẩn tuân thủ và những gì cần hoàn thiện để tiến xa hơn trên thị trường Mỹ.
Ngoài B2B thì còn có mô hình B2C – bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ – mang lại biên lợi nhuận cao hơn và khả năng kiểm soát thương hiệu tốt hơn.
Tuy nhiên, mô hình này nó đòi hỏi một chiến lược hoàn toàn khác. Các HTX cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, thường thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia. Bởi người tiêu dùng Mỹ không chỉ mua sản phẩm, họ mua câu chuyện, mua trải nghiệm và giá trị cảm xúc. Và xu hướng tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng thường bị thu hút bởi những sản phẩm có câu chuyện thương hiệu hấp dẫn hoặc cho phép họ trải nghiệm thực tế.
Do đó, việc xây dựng một câu chuyện thương hiệu độc đáo, gắn liền với văn hóa, con người, hay quy trình sản xuất bền vững của HTX là chìa khóa để tạo sự khác biệt và kết nối với khách hàng cá nhân. Điều này đòi hỏi các HTX phải đầu tư vào hoạt động marketing số, xây dựng mô tả sản phẩm bằng tiếng Anh kèm hình ảnh thực tế sống động, chân thực.
Ngoài ra, khi xuất khẩu B2C, các HTX cần lưu ý về mặt vận hành. Đó là thiết lập hệ thống thanh toán quốc tế để có thể nhận tiền trực tiếp từ giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng Mỹ. Việc này đòi hỏi HTX phải có tài khoản ngân hàng quốc tế, hiểu biết về các cổng thanh toán và phí giao dịch.
Điều đáng quan tâm nữa là HTX cần tổ chức giao dịch an toàn và giao hàng đúng hạn tới khách hàng Mỹ nhằm đảm bảo uy tín và hướng đến xuất khẩu lâu dài. Muốn vậy, HTX phải đảm bảo tính bảo mật thông tin khách hàng và hệ thống logistics phải đủ mạnh để đảm bảo thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.
“Một trải nghiệm mua sắm không suôn sẻ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu”, Ông Mealy nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của thương mại điện tử
Trong bối cảnh hiện nay, việc định hướng xuất khẩu sang Mỹ cho các sản phẩm như tảo xoắn, dược phẩm, hữu cơ, nông sản đã chế biến… cũng là một vấn đề được không ít HTX quan tâm. Bởi đây là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với xu hướng sống khỏe của người tiêu dùng hiện đại và cũng là thế mạnh của nhiều HTX. Không chỉ dừng lại ở đó, những HTX có sản phẩm thủ công mỹ nghệ như HTX Vụn Art (Hà Nội) cũng đánh giá cao vai trò của thương mại điện tử khi xuất khẩu xuyên biên giới.
Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) là một con đường rất phù hợp với những mặt hàng này. Nền tảng TMĐT cho phép các HTX tiếp cận trực tiếp với nhóm khách hàng mục tiêu và có toàn quyền kiểm soát nội dung, hình ảnh, thông điệp về sản phẩm.
Việc xuất khẩu qua TMĐT sang Mỹ chủ yếu nghiêng về mô hình B2C hoặc trong một số trường hợp có thể là B2B thông qua các nền tảng TMĐT chuyên biệt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, cho biết người tiêu dùng Mỹ mua sắm trực tuyến rất nhiều. Các cửa hàng, siêu thị ở Mỹ cũng đều kết hợp với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, một lợi thế cạnh tranh đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các HTX, là khả năng xây dựng mối quan hệ đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cộng đồng này là khoảng 2.3 triệu người, chiếm khoảng 9% người châu Á tại Mỹ. Đây không chỉ là kênh tiêu thụ tiềm năng mà còn là cầu nối quan trọng, giúp lan tỏa sản phẩm và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Ông Marc Mealy cũng chỉ ra rằng, hiện các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã làm rất tốt việc xuất khẩu sang Mỹ nhờ vào việc ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt hơn và áp dụng thương mại điện tử hiệu quả. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong xuất khẩu đối với HTX Việt Nam.
Huyền Trang