Nghi Sơn (Thanh Hóa) mở tuyến logistics xanh giảm 70% phát thải

Chiều ngày 25/7/2025, tại Cảng Quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp phối hợp với Công ty CP Tập đoàn MacStar tổ chức lễ khai trương tuyến vận tải container ven biển Hải Phòng – Nghi Sơn.
TĂNG KẾT NỐI, GIẢM PHÁT THẢI TỪ CẢNG BIỂN NGHỊ SƠN
Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho hạ tầng logistics khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuyến vận tải container mới có thời gian di chuyển khoảng 15 giờ, tiết kiệm 15% chi phí so với vận tải đường bộ và đặc biệt giảm tới 70% lượng phát thải CO₂. Trước mắt, tuyến được vận hành bằng hai tàu MacStar Hải Phòng (294 TEU) và MacStar Nghi Sơn (135 TEU), với tần suất 2 chuyến/tuần, dự kiến nâng lên 6 chuyến/tuần từ năm 2026 khi sản lượng hàng hóa tăng cao.
Theo ông Trần Chí Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, đây là nỗ lực kết nối các trung tâm logistics lớn, đặc biệt giữa Hải Phòng, cửa ngõ thông thương phía Bắc và Thanh Hóa, địa bàn giàu tiềm năng công nghiệp và xuất nhập khẩu. Tuyến container mới sẽ giúp giảm tải áp lực cho hệ thống đường bộ, tiết kiệm chi phí logistics cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Cảng Quốc tế Nghi Sơn hiện được quy hoạch là cảng loại I, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn từ 70.000 đến 100.000 DWT. Với lợi thế là cảng nước sâu, kết nối trực tiếp với các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh như Lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện kim, xi măng,… Nghi Sơn đang dần trở thành trung tâm logistics chiến lược của miền Trung.
Hiện trung bình mỗi chuyến tàu container phục vụ khoảng 10–20 doanh nghiệp khu vực Thanh Hóa và phụ cận, vận chuyển 200 TEU nguyên vật liệu, thiết bị, hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, việc kết nối với Hải Phòng – cảng biển lớn, nơi có khả năng tiếp nhận tàu đi trực tiếp châu Âu, Địa Trung Hải, tạo ra chuỗi cung ứng liên hoàn, giảm phụ thuộc vào đường bộ vốn chiếm tới 98–99% sản lượng vận chuyển.
Tuyến vận tải xanh Hải Phòng – Nghi Sơn góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hướng tới Net Zero, Macstar Group, đơn vị vận hành tuyến, đã chủ động đầu tư các loại tàu thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải, và sẽ nghiên cứu sử dụng nhiên liệu mới như hydrogen xanh, pin mặt trời trong thời gian tới.
LOGISTICS XANH VỚI ĐỘNG LỰC TỪ DOANH NGHIỆP
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Macstar Group, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết: “Với nền tảng là doanh nghiệp logistics đa ngành, chúng tôi xác định rõ hướng đi xanh, hiện đại hóa hạ tầng và giảm phát thải là yêu cầu tất yếu. Tuyến Hải Phòng – Nghi Sơn là bước đi chiến lược, thể hiện cam kết đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp địa phương.”
Macstar Group hiện đang sở hữu mạng lưới logistics rộng khắp từ Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh đến TP Hồ Chí Minh, đồng thời phát triển các tuyến vận tải container ven biển từ năm 2024. Đơn vị này từng bước đầu tư nhà máy đóng tàu tại sông Đào (Ninh Bình), nghiên cứu phát triển đội tàu trọng tải lớn, lắp đặt tàu thử nghiệm qua kênh đào Nghĩa Hưng, được ví là “kênh đào Panama của Việt Nam”.

Sau tuyến Hải Phòng – Ninh Bình, Macstar tiếp tục đưa vào khai thác tuyến Hải Phòng – Nghi Sơn từ tháng 6/2025 và dự kiến kết nối với Quảng Trị, Lào thông qua Lao Bảo – Chalo. Nhờ đó, hình thành chuỗi logistics liên vùng Bắc Trung Bộ – Lào – Đông Bắc Thái Lan, mở rộng hành lang vận chuyển hàng hóa xanh, tiết kiệm và hiệu quả.
Thanh Hóa xác định phát triển logistics là một trong những trụ cột thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với việc phát triển cảng biển Nghi Sơn, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 248/2022/NQ-HĐND, hỗ trợ vận tải container qua cảng với mức từ 300 triệu đồng/chuyến nội địa đến 500 triệu đồng/chuyến quốc tế. Doanh nghiệp mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa còn được hỗ trợ 2–3 triệu đồng/container.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Macstar đang tích cực nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh, nhiên liệu mới, hướng đến đội tàu sử dụng hydrogen xanh, điện mặt trời… Để hiện thực hóa điều này, họ mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý, đặc biệt trong việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế thí điểm và ưu đãi đầu tư cho phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Chiến lược phát triển logistics xanh không dừng lại là câu chuyện của một tuyến vận tải, một cảng biển hay một doanh nghiệp; nó còn thể hiện xu thế tất yếu, là mắt xích trong chuỗi tăng trưởng xanh quốc gia. Từ Cảng container quốc tế Nghi Sơn, hành trình kết nối logistics xanh đã bắt đầu thầm lặng nhưng đầy tiềm năng, vì một tương lai phát triển bền vững cho Thanh Hóa và cả nước.
-Thiên Anh
]]>