Người lao động Trung Quốc chật vật vì lương giảm

Zhang Jinming, nhân viên tại một công ty nhà nước Trung Quốc, đang có gắng bù đắp cho việc bị giảm 24% tiền lương bằng cách làm thêm. Dành 3 tiếng mỗi tối sau giờ làm và cả ngày cuối tuần để giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến, Zhang hy vọng sẽ không rơi vào tình huống khó xử khi giao đồ ăn cho các đồng nghiệp của mình.
Mức lương tại công việc nhà nước của Zhang hiện là 4.200 nhân dân tệ (585 USD)/tháng, giảm từ mức 5.500 nhân dân tệ trước đó.
KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC
Dù nhà chức trách có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì hoạt động của các cảng biển và nhà máy, nhưng nhu cầu yếu đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc, từ đó cắt giảm lương của những người lao động như Zhang. Điều này buộc họ phải nỗ lực làm thêm để tăng thu nhập, đồng thời cắt giảm chi tiêu.
“Tôi không còn cách nào khác”, Zhang, năm nay 30 tuổi, chia sẻ với hãng tin Reuters. Mỗi tối anh làm việc tới 11h30 đêm và kiếm được khoảng 60-70 nhân dân tệ.
“Việc giảm lương khiến tôi chịu áp lực rất lớn. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã từ chức, khiến tôi phải đảm nhận phần công việc của họ”, Zhang cho biết.
Mức tăng trưởng kinh tế 5,2%trong quý 2 cho thấy mô hình phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc đến nay vẫn có sức chống chịu tốt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau sự chống chịu bền bỉ đó, vết nứt đang ngày càng lan rộng.
Tại nhiều doanh nghiệp, tình trạng bị chậm thanh toán hóa đơn và hợp đồng ngày một nhiều, kể cả ở những ngành xuất khẩu mạnh như ô tô và đồ điện tử. Trong khi đó, các chính quyền địa phương, vốn đang chịu gánh nặng nợ lớn, phải thắt chặt chi tiêu vì phải hỗ trợ các nhà máy bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại trên địa bàn.
Do dư thừa công suất và chiến tranh thương mại, cạnh tranh khốc liệt khiến doanh nghiệp phải đại hạ giá hàng hóa. Do đó, dù lượng xuất khẩu gia tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn sụt mạnh. Tình huống này buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và người lao động là nhóm chịu hậu quả nặng nề nhất.
Lợi nhuận và tiền lương giảm khiến nguồn thu thuế co lại, gây áp lực buộc các công ty nhà nước như công ty của Zhang phải cắt giảm chi phí.
CHỈ CÓ THỂ CHỊU ĐỰNG
Theo các nhà phân tích, sự mất cân bằng trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt nguồn từ các chính sách ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu hơn so với người tiêu dùng.
Lâu nay, các nhà kinh tế nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh chuyển hướng hỗ trợ chính sách sang các lĩnh vực nội địa như giáo dục và y tế, hoặc thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình bằng các cách như tăng phúc lợi xã hội. Nếu không làm vậy, Trung Quốc có thể đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế trong tương lai gần.
Frank Huang, một giáo viên 28 tuổi ở Quảng Tây, cho biết trường học nơi anh làm việc đã không trả lương 3 tháng qua và đang chờ chính quyền địa phương cấp ngân sách.
“Tôi chỉ có thể chịu đựng chứ không dám nghỉ việc”, Huang chia sẻ và cho biết anh đang sống nhờ bố mẹ trong lúc chờ khoản tiền lương tháng 5.000 nhân dân tệ của mình. “Tôi khó có thể tưởng tượng được áp lực mình phải chịu nếu như tôi là một người đã kết hôn với khoản vay thế chấp mua nhà, khoản vay mua ô tô và nuôi con”.
Một giáo viên khác ở Lâm Tuyền, một huyện nông thôn ở miền Đông Trung Quốc, cho biết cô chỉ nhận được mức lương cơ bản 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Phần lương dựa trên hiệu quả công việc, thường là khoảng 16%, đã liên tục bị chậm trả.
"Sau khi trả tiền xăng, phí đỗ xe và phí quản lý tòa nhà chung cư, số tiền còn lại không đủ tôi mua thực phẩm”, nữ giáo viên tên Yun chia sẻ. “Tôi có cảm giác mình giống ăn xin vậy. Nếu không có bố mẹ thì tôi đã chết đói rồi”.
Hiện không có dữ liệu về tình trạng chậm trả lương tại khu vực nhà nước tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp công nghiệp có mối liên hệ với nhà nước, tình trạng này ngày càng phổ biến.
Tính từ đầu năm tới tháng 5, số tiền nợ quá hạn ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực máy tính, truyền thông và thiết bị điện tử, và sản xuất ô tô - hai ưu tiên của các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc - đã tăng lần lượt 16,6% và 11,2%, cao hơn so với bình quân 9% của tất cả các ngành. Ở lĩnh vực điện nước và khí đốt, mức tăng là 17,1% và 11,1%.
“Những con số này cho thấy áp lực thanh khoản và là một hậu quả của việc nhà chức trách ưu tiên thúc đẩy nguồn cung hơn so với thúc đẩy nhu cầu”, ông Minxiong Liao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại GlobalData.TS Lombard APAC, nhận xét. “Theo đó, những lĩnh vực được ưu ái sẽ chứng kiến tăng trưởng sụt giảm trong tương lai.
Trong bối cảnh thu nhập của người lao động sụt giảm, Bắc Kinh đang chật vật thực hiện cam kết nâng cao tiêu dùng của hộ gia đình. Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại rằng tình trạng giảm phát dai dẳng sẽ gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế do người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Tháng trước, Huang Tingting, 20 tuổi, đã nghỉ công việc phục vụ bàn khi khi doanh thu của nhà hàng nơi cô làm việc cũng như nhiều nhà hàng lân cận giảm mạnh trong tháng 4 - thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên đỉnh điểm. Để ứng phó với tình hình này, chủ nhà hàng đã yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương 4 ngày mỗi tháng.
Tuy nhiên, giờ đây xin việc mới không hề dễ dàng. Trước đây, Huang có thể tìm được việc làm tại một nhà hàng khác chỉ trong 1-2 ngày. Lần này, cô đã thất nghiệp suốt từ tháng 6 đến nay. Một nhà hàng nói với cô rằng vị trí mà cô nộp đơn xin việc đã có hơn 10 ứng viên.
“Thị trường việc làm năm nay tệ hơn nhiều so với năm ngoái”, Huang nhận xét.
-Hoài Thu
]]>