So kè hiệu quả kinh doanh của các công ty chứng khoán có vốn lớn nhất

Trong khi TCBS vẫn giữ vị trí quán quân về lợi nhuận thì VIX có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng mạnh nhất. Nhiều công ty đẩy mạnh quy mô cho vay kỹ quỹ giúp thu nhập mảng này khả quan.
Ảnh minh họa.
Hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2025. Theo thống kê của Mekong ASEAN, tổng lợi nhuận sau thuế của 12 doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất ngành đạt gần 6.500 tỷ đồng, tăng 30% so với quý 1/2025 (QoQ) và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Quán quân về lợi nhuận vẫn thuộc về Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với 1.420 tỷ đồng - mức lợi nhuận quý cao nhất lịch sử hoạt động. Công ty chứng khoán này đã nhiều quý dẫn đầu ngành về lợi nhuận.
Các mảng kinh doanh của TCBS trong quý vừa qua đều tăng trưởng. Trong đó, mảng đóng góp lớn nhất cho công ty là lãi từ các khoản cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán với 844 tỷ đồng, tăng trưởng 15% QoQ và 32% YoY. Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay của TCBS ở mức 33.806 tỷ đồng, tăng 11% so quý trước và 30% so với cuối năm ngoái. Đây cũng là mức kỷ lục của công ty chứng khoán này.
Ngoài ra, doanh thu lớn của TCBS còn đến từ mảng bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán với gần 500 tỷ đồng, tăng 9% YoY.
Vị trí thứ hai thuộc về Chứng khoán VIX (mã VIX), với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng - gấp 10 lần YoY. Đây là lần đầu tiên VIX ghi nhận mức lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong một quý.
Theo văn bản giải trình của VIX, việc VN-Index kết thúc quý 2 ở mức 1.376 điểm - cao nhất kể từ năm 2022 đã giúp hoạt động tự doanh của công ty tăng trưởng. Doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (PTVPL) 1.435 tỷ đồng, gấp 22 lần YoY.
Hoạt động cho vay ký quỹ của VIX trong quý vừa qua cũng đạt kết quả tích cực với mức lãi 214 tỷ đồng, tăng 81% YoY. Dư nợ cho vay của công ty ở thời điểm cuối quý 2/2025 là 9.278 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm và cao nhất từ trước đến nay.
SSI, Chứng khoán VPBank (VPBS), Chứng khoán ACB (ACBS), SHS đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với quý 1/2025 và cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, VPBS đạt mức tăng trưởng tốt nhất với mức tăng lần lượt là 57% QoQ và 74% YoY, đạt 441 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất của công ty này kể từ khi công bố báo cáo tài chính.
Thu nhập của VPBS có đóng góp lớn từ mảng cho vay, đạt hơn 380 tỷ đồng trong quý 2/2025, tăng 62% YoY. Kết quả này là nhờ công ty gia tăng quy mô cho vay, đưa dư nợ margin lên mức cao kỷ lục, đạt 17.653 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối quý 1/2025.
Hoạt động tự doanh của VPBS cũng đạt hiệu quả với lãi thuần hơn 400 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước.
VNDirect, Mirea Asset, Chứng khoán VPS, Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng sụt giảm nhẹ so với quý 1/2025. So với cùng kỳ, VPS đạt mức tăng trưởng tốt (34%), đạt hơn 700 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhất cho doanh thu của VPS vẫn là mảng môi giới với gần 750 tỷ đồng, khi công ty này liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới. Tuy nhiên so với quý 2/2024, doanh thu mảng này sụt giảm 16%. Điều này tương đồng khi VPS dần đánh mất thị phần trong 4 quý gần đây. Trong quý 2 vừa qua, thị phần của VPS trên HoSE đạt 15,4%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước.
Bù lại, mảng cho vay tăng trưởng (đạt 530 tỷ đồng, tăng 16% YoY) khi VPS cũng đẩy mạnh quy mô cho vay, đạt hơn 17.400 tỷ đồng - tăng gần 5.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Chứng khoán TP HCM (HSC, mã HCM) và Chứng khoán Vietcap (mã VCI) ghi nhận lợi nhuận cùng sụt giảm so với quý 1/2025 và cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, lợi nhuận HSC đạt 192 tỷ đồng, giảm 15% QoQ và giảm 39% YoY. Nguyên nhân do thu nhập từ nhiều mảng kinh doanh chủ chốt của công ty đều sụt giảm. Mảng tư vấn tài chính sụt giảm mạnh nhất khi chỉ đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 51 tỷ đồng.
Lợi nhuận Vietcap đạt 184 tỷ đồng, giảm 38% QoQ và giảm 34% YoY. Nguyên nhân là do tự doanh không hiệu quả khi mảng này lỗ thuần hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi thuần gần 240 tỷ đồng.