Thị trường Hydro xanh tại Việt Nam: Chính sách đã mở, đầu tư còn chờ cơ chế

Tại hội thảo Hội thảo Hydro Việt Nam – Hàn Quốc 2025 tại TP.HCM ngày 16/7, các chuyên gia nhận định hydro xanh được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như một giải pháp chiến lược giúp giảm phát thải carbon trong các ngành khó chuyển đổi như công nghiệp nặng, vận tải và phát điện tuy nhiên cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
HYDRO XANH LÀ CƠ HỘI NHƯNG CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ RÕ RÀNG
Ông Nguyễn Ánh Tâm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam (VAHC), cho biết hydro xanh đóng vai trò then chốt trong hành trình hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.
Tính đến tháng 5/2024, đã có ít nhất 74 quốc gia xây dựng chiến lược phát triển hydro sạch. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydro đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 165/QĐ-TTg), đặt mục tiêu sản xuất từ 100.000–500.000 tấn hydro sạch mỗi năm vào năm 2030, và tăng lên 10–20 triệu tấn vào năm 2050.
Trong đó, Nghị định 58/2025/NĐ-CP với các quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được ban hành cũng đi kèm ưu đãi đầu tư cụ thể cho sản xuất hydro xanh và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn một khoảng trống chính sách đáng kể khi các cơ chế hỗ trợ như giá mua điện cố định (FiT), hợp đồng chênh lệch (CfD), tín dụng carbon… chưa được hoàn thiện.
Theo TS. Nguyễn Hữu Lương, Viện Dầu khí Việt Nam, Việt Nam đang gặp phải 4 nhóm thách thức chính:
Thứ nhất là về công nghệ. Các giải pháp điện phân, lưu trữ, vận chuyển và ứng dụng hydro quy mô lớn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nhiều quốc gia và chưa phổ biến tại Việt Nam.
Thứ hai là chi phí đầu tư cao. Hydro xanh hiện có giá thành cao hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch nên cần thiết bị điện phân hiện đại và hệ thống lưu trữ an toàn, đòi hỏi vốn lớn và thời gian thu hồi dài.
Thứ ba là thiếu cơ sở hạ tầng: Việt Nam chưa có hệ thống ống dẫn, trạm nạp hay trung tâm lưu trữ hydro quy mô lớn.
Thứ tư là chính sách chưa đồng bộ. Dù đã có các quyết định quan trọng như Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp, chiến lược hydro... nhưng thiếu các công cụ cụ thể để hỗ trợ tiêu thụ và đầu tư.

Ngoài ra, nguồn nhân lực hạn chế cũng là rào cản đáng kể. Phát triển hydro đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa thể chế, tài chính và đào tạo.
TS. Nguyễn Hữu Lương đề xuất cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế định giá carbon và thiết lập các quỹ xanh hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và triển khai các dự án thí điểm. Về phía doanh nghiệp, cần tích hợp mục tiêu hydro vào chiến lược giảm phát thải, tối ưu quy trình và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC, NHƯNG CẦN ĐỘT PHÁ CHÍNH SÁCH
Trao đổi với VnEconomy, bà Claire Rosseler, Tổng Giám đốc tập đoàn năng lượng Air Liquide (Pháp) tại Việt Nam, khẳng định hydro xanh và hydro carbon thấp là giải pháp tiềm năng cho các ngành công nghiệp nặng vốn khó khử carbon như lọc – hóa dầu, sản xuất methanol, nhiên liệu tổng hợp hay luyện kim. Không chỉ vậy, hydro còn góp phần cân bằng hệ thống điện quốc gia bằng cách lưu trữ năng lượng tái tạo dư thừa và phát điện trong giờ cao điểm, tăng cường an ninh năng lượng.

Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phi carbon hóa không chỉ là mục tiêu phát triển bền vững, mà là yêu cầu bắt buộc,” bà Claire nhấn mạnh.
Theo đại diện Air Liquide, để phát huy tiềm năng này, Việt Nam cần tháo gỡ ba nút thắt chính:
Thứ nhất, hành lang pháp lý. Một khuôn khổ chính sách đồng bộ, rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro và định hướng thị trường là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư vào các dự án hydro, đặc biệt trong bối cảnh chu kỳ hoàn vốn thường kéo dài 10–20 năm.
Thứ hai, cần thúc đẩy hợp tác công – tư và liên kết các bên trong chuỗi giá trị. Đơn cử, để phát triển thị trường giao thông chạy bằng hydro, cần có sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, các nhà sản xuất xe và cơ quan quy hoạch hạ tầng, bảo đảm tốc độ xây dựng trạm nạp đồng bộ với tăng trưởng của phương tiện sử dụng hydro. Tương tự, cần hài hòa tiêu chuẩn trong khu vực để tận dụng lợi thế quy mô.
Thứ ba, chính sách ưu đãi đối với nguồn vốn đầu tư. Phát triển hạ tầng hydro đòi hỏi cam kết lâu dài và cơ chế bảo đảm lợi ích công bằng giữa các nhà đầu tư. Trong đó, các chính sách khuyến khích, tín dụng ưu đãi và trợ cấp chuyển đổi năng lượng sẽ là chất xúc tác quan trọng.
Với kinh nghiệm triển khai các dự án hydro tại nhiều quốc gia, Air Liquide đánh giá cao cam kết của Việt Nam khi công bố Chiến lược phát triển hydro vào đầu năm 2024 và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong chiến lược hydro, đặc biệt ở những ngành khó giảm phát thải như luyện kim, hóa chất, lọc – hóa dầu và giao thông. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một tương lai năng lượng sạch hiệu quả và bền vững, nơi cộng đồng và doanh nghiệp cùng hưởng lợi,” bà Claire khẳng định.
Bà Claire nhận định với tiềm năng gió và mặt trời lớn, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất hydro xanh của khu vực, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nâng cao vị thế năng lượng quốc gia.
-Như Quỳnh
]]>