Tìm bị hại vụ 'thổi vốn' lên 42.000 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư

Ngày 18/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần nước GMT và các tổ chức liên quan.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trước đó, ngày 21/6/2025, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh tạm giam (đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn) đối với 3 bị can để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Các bị can gồm Sỹ Anh Tuyên (sinh năm 1976; trú tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước GMT); Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1967, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước GMT; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước Vạn Xuân); Trần Trí Trung (sinh năm 1983; trú tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước GMT; Giám đốc Công ty cổ phần nước GMT - Miền Nam Bộ).
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2019, Sỹ Anh Tuyên cùng Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trần Trí Trung và một số cá nhân khác thành lập, điều hành hoạt động của Công ty Cổ phần nước GMT cùng nhiều pháp nhân khác trong “hệ sinh thái GMT" hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp.
Thông qua các thủ đoạn gian dối có tính hệ thống, Sỹ Anh Tuyên và các đối tượng đã tung tin sai sự thật về quy mô tài chính của Công ty Cổ phần nước GMT, như việc công bố nguồn vốn lên tới 42.000 tỷ đồng; thổi phồng kết quả hoạt động kinh doanh và cam kết lợi nhuận cao, trả lãi định kỳ theo tuần cho người tham gia đầu tư vào hệ thống; hứa hẹn triển khai lắp đặt hệ thống sản xuất nước ion kiềm đóng chai tại các công ty thành viên; yêu cầu nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thay vì tài khoản định danh của doanh nghiệp...
Sau khi nhận được tiền từ các nhà đầu tư, Sỹ Anh Tuyên và đồng phạm không sử dụng số tiền này cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như cam kết mà chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích khác.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án và đảm bảo quyền lợi của các bị hại, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo và đề nghị các cá nhân và tổ chức là bị hại của các đối tượng trên đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Số liệu từ năm 2016 đến 2024 cho thấy Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan lừa đảo theo hình thức đa cấp bị triệt phá. Đơn cử như vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng (viết tắt là Goldtime), các đối tượng huy động vốn bằng hình thức đa cấp trái pháp luật của các nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 327 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng thực hiện theo hình thức “cây hệ thống”, phân quyền, đưa ra các chính sách hoa hồng và tiền thưởng để lôi kéo nhà đầu tư tham gia.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng trước các thủ đoạn kêu gọi huy động vốn trái pháp luật, tránh rủi ro “tiền mất tật mang”.
-Như Nguyệt
]]>