Tin tức thị trường

Tìm giải pháp đưa chuối, dứa, dừa, chanh leo vào nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD

Tinnhanhck
· 1 giờ trước
Chuối, dứa, dừa và chanh leo đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Chuối, dứa, dừa và chanh leo đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Đối diện với các thách thức giống nhau

Ngày 18/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa”.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm.

Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000 ha với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới. Sản phẩm chuối Việt đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Dứa cũng đạt diện tích trên 52.000 ha, dừa gần 202.000 ha và chanh leo hơn 12.000 ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng, hiện dừa đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD vào năm 2024, thuộc top 7 mặt hàng nông sản chủ lực. Nhưng chuối mới đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa thậm chí chưa đến 50 triệu USD. Điều này cho thấy, từ góc độ Nhà nước, HTX, người trồng… còn rất nhiều việc phải làm để đưa các mặt hàng này lên tầm tỷ đô, có thể là vào năm 2026 hoặc 2027.

Theo Thứ trưởng, hiện cả 4 mặt hàng đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, nhưng đang đối diện với các thách thức giống nhau như: Bộ giống còn đơn điệu, thiếu giống tốt, giống chống chịu với các loài sâu bệnh hại quan trọng, thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết rời rạc, tỷ lệ chế biến thấp, thiếu thương hiệu quốc gia và thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn gặp vướng mắc, đặc biệt là trong bảo hộ giống cây trồng.

Đồng tình ý kiến, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với hơn 20 giống dừa được canh tác theo hình thức vườn hộ.

Tuy nhiên, do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra. Chỉ đến khi có sự định hướng chuyên canh từ cơ quan chức năng và Hiệp hội, chất lượng dừa mới dần ổn định.

Trong khi đó, ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics.

Tìm giải pháp để vào nhóm ngành hàng tỷ USD

Trong bối cảnh nhiều thị trường lớn ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm, việc chủ động đàm phán mở cửa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát mã số vùng trồng… là những giải pháp cấp thiết để củng cố niềm tin với đối tác và tạo thuận lợi thương mại.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An kêu gọi cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng quan tâm hơn tới phân khúc chuối chế biến và khai thác giá trị từ các phế phụ phẩm của cây chuối.

Nguyên nhân là do, phần lớn chuối Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng quả tươi, chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông. Trong khi đó, các sản phẩm như chuối sấy, chuối ép, rượu chuối, bánh chuối hay bột chuối xanh, vốn có giá trị cao hơn, vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

“Việc phát triển sản phẩm chế biến sâu và phụ phẩm là bước đi tất yếu nếu Việt Nam muốn nâng tầm ngành chuối và tránh phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu truyền thống. Bởi chuối không chỉ là trái cây tươi để ăn, mà còn là cây trồng đa giá trị. Từ thân, lá, củ, hoa đến trái chuối đều có thể được chế biến thành nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng, thực phẩm, dược liệu và công nghiệp”, ông Huy chia sẻ.

Để khai mở tiềm năng này, doanh nhân Huy “chuối” đề xuất có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chuối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tận dụng tối đa phế phụ phẩm từ cây chuối, thay vì vứt bỏ gây lãng phí hoặc ô nhiễm môi trường như hiện nay.

Với ngành hàng dừa, bà Kim Thanh nhận định, để phát triển bền vững, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các viện, trường để đưa ra giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất.

“Chúng ta có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại quả khác như: chuối, dứa… để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam. Là biểu tượng của quê hương và du lịch nhiệt đới, dừa còn là mối liên kết để phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh, văn hoá và đặc sản Việt trên thị trường quốc tế”, bà chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam lưu ý thêm, việc xây dựng bản đồ số vùng trồng dừa là cấp thiết nhằm khẳng định giá trị cây dừa và phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cần thúc đẩy hệ sinh thái cây dừa thông qua xen canh, tận dụng đặc tính giữ nước, cải tạo đất của dừa để tăng giá trị sinh thái và tín chỉ carbon.

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS