Tin tức thị trường

Tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Ninh

Vneconomy
· 1 giờ trước
Giông lốc dữ dội ngày 19/7 làm lật một tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, khiến 35 người thiệt mạng, 4 người vẫn mất tích. Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được ráo riết thực hiện, cùng với đó các nhiệm vụ phòng chống bão số 3 cũng đang được rốt ráo triển khai…

Chiều 20/7/2025, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo khẩn cấp để cung cấp thông tin chính thức về vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 mang số hiệu QN-7105, xảy ra vào chiều ngày 19/7 trên Vịnh Hạ Long, khiến hàng chục người thương vong. Theo báo cáo tại cuộc họp, tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người, gồm 46 hành khách và 3 thuyền viên, rời Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long lúc 12h55 ngày 19/7 để tham quan tuyến số 2 (hang Sửng Sốt – đảo Titop). Đến khoảng 14h05, khi tàu đang trên đường quay về, bất ngờ gặp giông lốc cực mạnh và bị lật úp giữa khu vực Hòn Gà Chọi và Hòn Cô Đơn, đồng thời mất liên lạc GPS.

RÁO RIẾT TÌM KIẾM CỨU NẠN

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin lúc 15h30 cùng ngày, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo huy động tổng lực các đơn vị cứu hộ, cứu nạn. Hơn 1.000 người cùng trên 100 phương tiện từ các lực lượng Biên phòng, Hải quân, Quân khu 3, Công an, đội thợ lặn và cả ngư dân địa phương đã được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn kéo dài xuyên đêm.

Đến 1h40 sáng 20/7, tàu gặp nạn được trục vớt và lật trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 45 người: 10 người được cứu sống, 35 người thiệt mạng. Hiện còn người vẫn đang mất tích. Công tác tìm kiếm tiếp tục được triển khai khẩn trương, trong bối cảnh bão số 3 đang tiến gần, khiến điều kiện thời tiết trên biển xấu đi nhanh chóng và thu hẹp thời gian cứu hộ.

Quang cảnh buổi họp baacute;o.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết  lý do không sử dụng trực thăng để cứu hộ vì khoảng cách từ bờ ra hiện trường chỉ khoảng 15–20 phút di chuyển bằng tàu, trong khi điều kiện thời tiết không bảo đảm an toàn cho việc điều động máy bay.

 

"Tàu Vịnh xanh 58 xuất bến lúc 12h45, trong khi bản tin bổ sung cảnh báo dông lốc chỉ được phát lúc 13h30. Sau thời điểm này, Cảng vụ đã ngừng cấp phép cho các tàu xuất bến, tuy nhiên tàu Vịnh Xanh 58 đã rơi vào tâm giông lốc trước khi có thể quay về bờ".

Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh.

Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin tai nạn có độ trễ, Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, giải thích rằng cơn dông lốc diễn ra cực kỳ bất ngờ: chỉ trong 15 phút, thời tiết chuyển từ nắng gắt hơn 40 độ sang mưa lớn, mù mịt, không có tàu nào gần để kịp thời phát hiện và báo tin. Đến khoảng 15h, mưa tạnh mới có tin báo chính thức.

Về kỹ thuật, tàu Vịnh Xanh 58 là tàu vỏ sắt, đóng năm 2015, có hệ số an toàn 2,3 – cao hơn nhiều so với yêu cầu đăng kiểm. Gần 90% nạn nhân khi được tìm thấy đều mặc áo phao, cho thấy thuyền trưởng đã có hướng dẫn khách mặc áo phao sớm khi thời tiết chuyển xấu.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt phương án khẩn cấp ngay sau khi nhận tin. Sở Y tế điều động 31 xe cứu thương, 37 kíp cấp cứu đến các điểm tiếp nhận. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 9 nạn nhân, trong đó một người đã xuất viện, 8 người còn lại sức khỏe ổn định. Một bệnh nhi 10 tuổi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương theo nguyện vọng gia đình.

Ngành y tế cũng phối hợp với công an và địa phương hỗ trợ việc bảo quản thi thể, vận chuyển và lo hậu sự cho các nạn nhân xấu số. UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định hỗ trợ ban đầu 25 triệu đồng/người tử vong, 5 triệu đồng/người bị thương, đồng thời bố trí phương tiện đưa thi thể về quê mai táng.

Về mặt pháp lý, Công an tỉnh Quảng Ninh đã huy động toàn lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và Cảnh sát giao thông chia thành 28 mũi tìm kiếm, đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường, phương tiện, tử thi và lấy lời khai nhân chứng. Hiện công an đang xem xét khả năng khởi tố nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

TRIỂN KHAI KHẨN CẤP CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐÊ ĐIỀU

Chiều ngày 20/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 4596/BNNMT-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và vùng đồng bằng Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ về việc triển khai khẩn trương công tác đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Theo đó, sáng 19/7/2025, bão WIPHA đã đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 3 của năm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão hiện có cường độ cấp 11–12, giật cấp 15, được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền trong bối cảnh mực nước triều ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đang ở thời kỳ đỉnh cao. Điều này tạo ra nguy cơ rất lớn đối với các tuyến đê biển và đê cửa sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Cocirc;ng văn của Bộ Nocirc;ng nghiệp vagrave; Mocirc;i trường
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bên cạnh tác động trực tiếp từ gió bão, bão WIPHA cũng gây ra mưa lớn trên diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ trên các hệ thống sông là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh mực nước tại nhiều hồ chứa lớn đã tiệm cận mức cao nhất trước lũ, trong khi mực nước trên các sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình cũng đang ở mức cao. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của nhiều tuyến đê điều trọng yếu.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện một loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ hệ thống đê điều, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, các tỉnh, thành phố được yêu cầu triển khai ngay 6 nhiệm vụ.

Một là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo trung ương: Bao gồm Công điện số 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 4594/CĐ-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về ứng phó với bão số 3 và mưa lớn.

Hai là, rà soát và triển khai phương án hộ đê: Đặc biệt tập trung vào các trọng điểm đê điều xung yếu, vị trí đã từng xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý dứt điểm, các công trình đang thi công dở dang và các tuyến đê trực diện biển – nơi bão dự kiến đổ bộ. Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành việc gia cố những vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.

Ba là, tăng cường kiểm tra và canh gác đê điều. Thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh ngay từ giờ đầu.

Bốn là, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, vật tư, trang thiết bị. Sẵn sàng phương tiện, lực lượng để ứng phó, hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ở cơ sở.

Năm là, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản: Kịp thời thông báo đến người dân, chủ phương tiện và công trình ven biển, trên bãi sông để triển khai các biện pháp an toàn. Đặc biệt, cần sẵn sàng sơ tán cư dân tại các khu vực nguy hiểm như ven biển, ngoài bãi sông – nơi không có đê bảo vệ.

Sáu là, theo dõi sát diễn biến thiên tai và báo cáo kịp thời. Các địa phương cần cập nhật thường xuyên tình hình diễn biến của bão, mưa lũ, kiểm tra thực trạng hệ thống đê điều và báo cáo nhanh mọi sự cố về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để có hướng xử lý, chỉ đạo kịp thời.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, mưa lớn, lũ bất thường có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, chuẩn bị tốt các kịch bản ứng phó là yếu tố then chốt để bảo vệ hệ thống đê điều – tuyến phòng thủ quan trọng, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai các biện pháp đã nêu, đồng thời tổ chức kiểm tra hiện trường, đôn đốc thực hiện để đảm bảo hiệu quả và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai. 

-Chu Khôi

]]>

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS