HTX chuyển mình, nâng tầm nông sản

Những HTX này cũng thể hiện sự nỗ lực vươn lên, sự năng động của người dân và tầm nhìn chiến lược của chính quyền địa phương, biến những giá trị truyền thống thành tài sản quý giá, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn hộ gia đình.
"Chìa khóa vàng" mở lối cho nông sản
Nhiều năm về trước, nông sản Chợ Đồn dù chất lượng tốt nhưng vẫn còn loay hoay tìm kiếm đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, các HTX đã có nền tảng để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng tầm sản phẩm, từ đó tạo thành đòn bẩy mạnh mẽ giúp các HTX thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng tầm các sản vật địa phương trở thành những sản phẩm OCOP có giá trị cao. Nhiều dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được triển khai thành công, tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho nông nghiệp Chợ Đồn.
![]() |
HTX Toàn Dân thu hút khách đến trải nghiệm. |
Tiêu biểu như mối liên kết trong sản xuất chè Shan tuyết của Công ty TNHH Ngọc Thắng với người dân. Với quy trình canh tác và chế biến hiện đại, chè Shan tuyết không chỉ giữ được hương vị đặc trưng mà còn đạt chuẩn chất lượng cao, vươn ra thị trường rộng lớn.
Hay mô hình liên kết sản xuất hồng không hạt của HTX Tân Phong với các hộ dân. Từ đây, đặc sản hồng không hạt, với vị ngọt thanh và độ giòn đặc trưng đã được chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao giá trị thương phẩm.
Một nông sản nữa là gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm. HTX đã cùng các hộ dân đưa giống lúa chất lượng cao này vào canh tác theo quy trình và được thị trường đón nhận.
Ngoài ra, sản phẩm trà hoa vàng của các HTX Hòa Thịnh và Nghĩa Tá đã giúp loài dược liệu quý này được chế biến thành trà với quy trình nghiêm ngặt, mang lại giá trị kinh tế cao và công dụng tốt cho sức khỏe.
Còn sản phẩm thịt lợn rừng lai của HTX Quỳnh Trang đã được áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học, đảm bảo chất lượng. Điều này giúp thịt lợn rừng lai của HTX Quỳnh Trang đã trở thành sản phẩm đặc sản được nhiều người ưa chuộng.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Có thể thấy, rất nhiều HTX trên địa bàn huyện Chợ Đồn tham gia đẩy mạnh phát triển các nông, đặc sản địa phương. Điều này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm mà còn thúc đẩy phát triển tiềm năng của địa phương - du lịch cộng đồng.
Tiêu biểu như từ sản phẩm phở khô và bún khô, HTX Hồng Luân (xã Tân Lập) phát triển thành sản phẩm du lịch cho du khách khi đến địa phương tham quan, trải nghiệm. Điều đặc biệt là thông qua Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan, HTX Hồng Luân đã tiếp nhận được hỗ trợ từ các dự án liên kết để đầu tư thêm máy móc, xây dựng nhà xưởng và cải tiến quy trình chế biến phở, bún từ giống gạo bao thai (gạo đặc sản của địa phương).
Sau khi đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ổn định trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận và là một trong những sản phẩm phục vụ khách du lịch trên địa bàn. Câu chuyện của HTX Hồng Luân là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đầu tư vào chất lượng và thương hiệu để nâng cao giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả kép trong sản xuất kinh doanh.
![]() |
Ngoài sản xuất phở khô và bún khô, HTX Hồng Luân còn phát triển sản phẩm măng khô. |
Những mô hình sản xuất kinh doanh của các HTX đã và đang góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện Chợ Đồn cũng rất chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Trong đó, huyện đã xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo không gian thuận lợi cho người dân, HTX và du khách tiếp cận sản phẩm địa phương. Hay mô hình chợ đêm với không gian trưng bày của các xã, thị trấn đang từng bước hình thành, tạo điểm nhấn văn hóa – thương mại, lan tỏa giá trị sản phẩm đặc trưng của Chợ Đồn.
Sản phẩm của hầu hết các HTX trên địa bàn huyện không chỉ là hàng hóa mà còn là "linh hồn" của từng địa phương, là cầu nối để du khách hiểu hơn về văn hóa, con người Chợ Đồn.
Nhận thức rõ điều này, huyện Chợ Đồn, Liên minh HTX tỉnh đang mạnh mẽ hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, tạo nên một chuỗi giá trị độc đáo, thu hút du khách và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng.
Tiêu biểu như sản phẩm dâu tây của HTX Toàn Dân được đầu tư sản xuất theo quy trình để không chỉ cung cấp sản phẩm tươi ngon mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch trải nghiệm. Mô hình của HTX Toàn Dân cũng được đánh giá là thích ứng với nhu cầu thị trường, tạo lực hút đối với khách tham quan, trải nghiệm.
Chị Triệu Thị Lệ, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Sau khi tham quan hồ Ba Bể, tôi được giới thiệu sang trải nghiệm vườn dâu tây tại Nam Cường của HTX Toàn Dân. Trong không khí trong lành, tôi và các bạn vừa được check-in nhiều cảnh đẹp vừa có thể tự tay hái những quả dâu tây chín mọng và thưởng thức…".
Trải nghiệm trực tiếp tại vườn dâu tây của HTX Toàn Dân không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là cách để du khách hiểu hơn về quy trình sản xuất, trân trọng hơn giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Theo lãnh đạo huyện Chợ Đồn, việc phát triển đa dạng các nông đặc sản địa phương của người dân, HTX, doanh nghiệp đang được huyện tích hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo chuỗi giá trị gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Các sản phẩm như trà hoa vàng, chè Shan tuyết, dâu tây, gạo đặc sản..., không chỉ là hàng hóa mà còn là "đại sứ văn hóa" giúp quảng bá hình ảnh địa phương.
Sự kết hợp này mang lại lợi ích kép: một mặt, du lịch giúp tiêu thụ sản phẩm nông-đặc sản ngay tại chỗ, tăng cường quảng bá thương hiệu. Mặt khác, các sản phẩm chất lượng cao lại làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch, thu hút du khách quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè. Du khách đến với Chợ Đồn không chỉ để ngắm cảnh, khám phá, tìm hiểu lịch sử mà còn để thưởng thức, mua sắm những đặc sản địa phương, mang một phần "hương vị Chợ Đồn" về nhà.
Đặc biệt, sự thành công của việc phát triển các nông-đặc sản địa phương gắn liền với du lịch tại Chợ Đồn không thể thiếu vai trò của các HTX. Họ là những người trực tiếp sản xuất, bảo tồn và phát triển các giá trị bản địa. Các HTX không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn tạo ra việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho thành viên. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đã thoát nghèo bền vững nhờ tham gia vào các HTX.
Những HTX như Hồng Luân, Tân Phong, Sơn Lâm, Hòa Thịnh, Nghĩa Tá, Quỳnh Trang, Toàn Dân...là những ví dụ điển hình cho sự năng động và hiệu quả. Các HTX này đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Việc này trực tiếp cải thiện đời sống của thành viên, giúp họ có điều kiện đầu tư vào giáo dục cho con cái, xây dựng nhà cửa khang trang hơn, và nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể.
Tương lai của Chợ Đồn đang rộng mở với những định hướng phát triển bền vững. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP, khuyến khích các HTX đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh. Đồng thời, việc khai thác triệt để tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, sẽ là trọng tâm để đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân. Đây cũng là nền tảng đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện chỉ còn 1.454 hộ, chiếm tỷ lệ 10,9%, giảm so với thời điểm tháng 12/2023 là 270 hộ, tương ứng với mức giảm 2,1%.
Minh Nhương