'Húc' cản 1500 điểm, thị trường rung lắc mạnh, cổ phiếu nhỏ vẫn nóng

Cuối cùng thì VN-Index cũng chạm tới ngưỡng 1500 điểm trong phiên cuối tuần, thậm chí còn tới 2 lần nhích qua nhưng cuối cùng vẫn chưa thành công. Các đợt chốt lời và bắt đáy dữ dội xuất hiện khiến chỉ số còn nhiều lúc đỏ và thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE lên mức kỷ lục 80 phiên.
Chỉ số có 3 lần vượt qua mốc 1500 điểm nhưng cũng có tới 2 lần giảm xuống dưới tham chiếu. Biên độ dao động của VN-Index trong phiên lên tới 16,9 điểm tương đương 1,14%. Đóng cửa chỉ số vẫn chỉ đạt 1497,28 điểm, tăng 7,27 điểm tương đương 0,49%.
Hôm nay là phiên đầu tiên thị trường thử thách cùng đỉnh lịch sử và nhà đầu tư mua bán dữ dội. Nửa sau phiên sáng một đợt xả hàng lớn đã đẩy VN-Index rơi qua tham chiếu. Độ rộng tại đỉnh trước khi xuất hiện nhịp xả này chỉ số có 193 mã tăng/90 mã giảm nhưng điểm thấp nhất chỉ còn 117 mã tăng/198 mã giảm. Có thể thấy đợt xả này đã lan ra ở diện rộng chứ không chỉ đơn thuần là ép trụ.
Nửa đầu phiên chiều thị trường một lần nữa nỗ lực leo lên 1500,06 điểm nhưng rồi lại quay đầu giảm xuống dưới tham chiếu. May mắn VN-Index vẫn còn trụ, ít phút cuối ngày đã kéo tăng. Độ rộng ghi nhận 171 mã tăng/147 mã giảm.
Sự đánh võng liên tục này một phần đến từ hoạt động chốt lời đồng loạt, một phần do dao động lớn ở các cổ phiếu trụ. VIC có biên độ dao động tối đa tới 6,13% trong phiên và đóng cửa giảm 2,46% với mức giảm sâu nhất là 3,69%. VHM mạnh hơn, xanh cả phiên nhưng dao động tối đa trong ngày cũng tới 4,14%. CTG, TCB, VPB… đều có những nhịp đánh võng đáng kể.
Biến động này phản ánh sự xung đột giữa các quan điểm ở giai đoạn nhạy cảm. Vùng 1500 điểm là ngưỡng cao lịch sử, có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý. Mặt khác, giá cổ phiếu đã tăng mạnh mẽ trong hơn một tháng nay nên tâm lý bảo toàn lợi nhuận cũng sẽ lớn dần theo chiều giá tăng. Bất kỳ tín hiệu xấu nào của thị trường hay chỉ số cũng khiến nhà đầu tư trở nên căng thẳng bất an.
Nhìn vào thay đổi độ rộng thị trường, các xung đột này có ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu. Nhiều lúc số cổ phiếu đỏ áp đảo hoàn toàn số xanh. Dù vậy sức mạnh dòng tiền là ẩn số, các đợt mua vào hôm nay vẫn nâng đỡ giá tích cực.

VN-Index thất bại trong nỗ lực vượt 1500 điểm cuối ngày do nhóm vốn hóa lớn nhất kém đồng thuận. Ngoài VIC giảm sâu 2,46%, VCB cũng giảm 0,48%, HPG giảm 0,38%, FPT giảm 0,79%. Số tăng thì chỉ có VHM tăng 2,02%, TCB tăng 3,13%, VPB tăng 2,15%, MBB tăng 1,68% là thuộc Top 10 vốn hóa. Mặc dù VN30-Index vẫn tăng 0,56% nhưng các mã mạnh nhất là STB, MSN, LPB chưa phải là nhóm vốn hóa hàng đầu.
Tuy vậy khả năng giữ nhịp chỉ số là điều kiện tốt để các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn thu hút được dòng tiền. Nhóm Smallcap hôm nay tăng 18% thanh khoản so với hôm qua trong khi VN30 tăng 3,6%, Midcap giảm 9%. Trong 17 cổ phiếu tăng kịch trần của VN-Index thì nhóm VN30 không có mã nào và Midcap chỉ đóng góp 4 cổ phiếu.
Trong nhóm kịch trần, HAG, HQC, VIX thanh khoản cực lớn, đặc biệt VIX giao dịch hơn 1.203 tỷ đồng. Ngoài ra DXS, PAC, DLG, QCG cũng khớp vài chục tỷ. Nhóm tăng trên 3% thì nhiều: SBT, SHI, HAR, DGW, LDG, VSC, TTA, PHR, GEE, NVL, TRC với thanh khoản khá tốt.
Toàn sàn HoSE lúc đóng cửa ghi nhận 104 cổ phiếu tăng hơn 1%, đóng góp 46,2% tổng giá trị khớp lệnh sàn này. Ở phía giảm chỉ có 52 mã giảm quá 1%, chiếm 12,3% thanh khoản. Như vậy bất kể chỉ số có vượt qua được mốc 1500 điểm hay không thì nhiều cổ phiếu vẫn giao dịch tích cực và dòng tiền vẫn đẩy giá hiệu quả.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp trên sàn HoSE, mức ròng khoảng -101,5 tỷ đồng. Hôm qua khối này đã bán ròng nhẹ 100,6 tỷ. Phiên này khối ngoại mua ròng cực kỳ ấn tượng với MSN, đạt giá trị ròng 264,3 tỷ đồng. MSN được lực cầu này đẩy giá rất tốt, đóng cửa tăng 3,81%, nhờ lượng mua chiếm khoảng 27% tổng giao dịch. Ngoài ra các mã khác được mua ròng tốt là VPB +114,9 tỷ, SSI +98 tỷ, VIX +85,5 tỷ, MWG +78,3 tỷ, VSC +58 tỷ, HAH +50,7 tỷ, EVF +40,5 tỷ. Phía bán ròng có FPT -186,3 tỷ, VCB -96,6 tỷ, GEX -82,6 tỷ, GMD -77,1 tỷ, DXG -75,2 tỷ, CTG -71 tỷ, VHM -68,8 tỷ, VHC -54 tỷ.
-Kim Phong
]]>