Tin tức thị trường

Nửa cuối 2025, doanh nghiệp cần theo sát 4 nhóm chính sách sẽ tác động tới môi trường kinh doanh

Tinnhanhck
· 44 phút trước

Tại Hội thảo “Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức ngày 18/7, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nửa cuối năm 2025, bà Hương lưu ý đến 4 nhóm chính sách quan trọng mà doanh nghiệp cần theo sát để tận dụng cơ hội, tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc cuối năm.

Thứ nhất là nhóm chính sách cải cách thủ tục hành chính.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính).

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính).

Nhóm chính sách đầu tiên được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt là chính sách “ba giảm”: giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ và 30% điều kiện kinh doanh. Tại TP.HCM, chính quyền thành phố cũng đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần hiện thực hóa chủ trương chung của Chính phủ. Đây được xem là một phần trọng tâm trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ nút thắt cho khu vực doanh nghiệp.

Ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đối với 324 thủ tục, tích hợp thông tin giấy tờ vào nền tảng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí hoàn thiện hồ sơ, tiếp cận các thủ tục hành chính công.

Song song đó, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc tồn đọng liên quan đến quy hoạch đất đai, khoáng sản, giao thông và thủy lợi, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cho các dự án hiện nay.

Thứ hai là nhóm chính sách tài khóa, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đổi mới sáng tạo.

Bà Hương đánh giá đây là chính sách điểm tựa quan trọng, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) – đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.

Một trong những chính sách nổi bật là tiếp tục áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm kích cầu tiêu dùng và giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME đang được thúc đẩy triển khai trên thực tế. Theo bà Hương, một số chính sách trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã được thể chế hoá trong Nghị quyết 198 của Quốc hội và hiện đang được Chính phủ hướng dẫn bằng một nghị định. Trong đó, chính sách cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ với mức giá tối thiểu 30% giá thuê đất theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư tại các khu cụm công nghiệp này.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có thể được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp SME mới thành lập cũng có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi đăng ký kinh doanh lần đầu.

Về thuế thu nhập cá nhân, sẽ có các điều chỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền mua cổ phần hoặc quyền mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của chuyên gia và nhà khoa học. Ngoài ra, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập chịu thuế để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, và các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu - phát triển được tính tối đa bằng 200% chi phí thực tế.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế và nhân sự”, bà Hương nói.

Thứ ba là nhóm chính sách về tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét dỡ bỏ các biện pháp hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, thay vào đó là chuyển sang cơ chế điều hành dựa trên thị trường và rủi ro của từng tổ chức tín dụng.

Chính sách này nếu triển khai đồng bộ sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong cung ứng vốn, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất vốn lâu nay gặp khó khăn trong tiếp cận dòng tiền ưu đãi.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng chuyên biệt đang được triển khai hoặc chuẩn bị ban hành, trong đó có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số; chương trình tín dụng cho người trẻ mua nhà ở xã hội; gói hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.

“Một chính sách đáng chú ý khác là vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phát biểu việc Bộ sẽ cam kết, kiên định trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Đây được xem là một kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý”, bà Hương nhấn mạnh.

Thứ tư là nhóm chính sách phát triển thị trường.

Bà Hương thông tin, trong 6 tháng cuối năm, nhiều chính sách mới liên quan đến thị trường tiêu thụ hàng hóa sẽ được ban hành, trong đó nổi bật là chiến lược phát triển ngành bán lẻ đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cùng các nghị định về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Chính phủ sẽ khởi động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác tại Trung Đông, Ấn Độ, Trung Mỹ - Latinh, đồng thời nâng cấp các hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, đặc biệt là chú trọng tới việc triển khai các phương án đàm phán với Mỹ.

Bên cạnh việc mở rộng các FTA, Chính phủ đang giao cho các bộ ban ngành nghiên cứu, bổ sung trường hợp được áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương nhất là đối với 12 nước châu Âu. Đây là điểm mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực về du lịch, khách sạn cần phải lưu ý.

Bộ Công Thương cũng được giao nghiên cứu thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, góp phần kết nối, quảng bá và mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài.

“Chính sách hiện nay rất nhiều, và có những chính sách tưởng chừng không liên quan vẫn có thể tác động lớn đến doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cũng chủ động nghiên cứu tìm hiểu kỹ qua kênh của các bộ ngành, địa phương và nhất là các hiệp hội”, bà Hương cho biết.

Thông tin quan trọng cần biết

Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) là công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán số 105/UBCK-GP ngày 25/03/2009 của UBCKNN; Giấy phép điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán mới nhất số 29/GPĐC-UBCK ngày 10/05/2024 của UBCKNN. Công ty có trụ sở chính tại Tầng 2, Tòa nhà IMV, số 87 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trang Web CVS phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin, dịch vụ cho người sử dụng, không nhằm mục chào mời mua hay bán; hay dự định chào mua hay bán bất cứ sản phẩm tài chính, chứng khoán hay công cụ tài chính, hoặc để tham gia vào bất cứ giao dịch cụ thể nào mà những lời chào mời hay gợi ý, hay giao dịch đó có thể là bất hợp pháp. Việc sử dụng thông tin có được từ Trang Web CVS để thực hiện đầu tư là thuộc ý chí riêng và thuộc toàn quyền quyết định của người sử dụng; và CVS, trong bất kỳ trường hợp nào, không có trách nhiệm pháp lý với việc sử dụng thông tin của người sử dụng.

Copyright © 2023 CV Securities Corporation - All Rights Reserved CVS